February 27, 2024 | 18:41 GMT+7

TP.HCM: Gần 5.000 container tồn đọng ở cảng biển

Thanh Thủy -

Theo Cục Hải quan TP.HCM, đến tháng 2/2024 lượng hàng hóa tồn tại cảng biển vẫn còn gần 5.000 container. Điều này gây ách tắc tại cảng, làm gia tăng chi phí cho các cảng và ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp…

Gần 5.000 container đang tồn đọng quá thời hạn tại các cảng biển khu vực TP.HCM. Ảnh minh họa
Gần 5.000 container đang tồn đọng quá thời hạn tại các cảng biển khu vực TP.HCM. Ảnh minh họa

Theo Cục Hải quan TP.HCM, đến tháng 2/2024 lượng hàng hóa tồn tại cảng biển vẫn còn gần 5.000 container và cả trăm tấn hàng tại các kho hàng sân bay.

Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tính đến tháng 1/2024, số lượng hàng tồn quá 30 ngày và 60 ngày có hơn 1.200 container. Còn tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, số lượng hàng tồn đọng là 134 dòng hàng, với trên 67,6 tấn, tăng gấp hơn hai lần (tăng 35 tấn) so với tháng trước đó.

Bên cạnh đó, hàng tồn quá 90 ngày tại các cảng biển tính đến tháng 1 còn 4.845 container. Tương tự, hàng tồn tại cửa khẩu đường hàng không có 2.038 dòng hàng, với gần 470.000 tấn. Trong đó, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất gần 1.700 dòng hàng, với trên 467 tấn; Chi cục Hải quan cửa khẩu Chuyển phát nhanh tồn 348 dòng hàng, với gần 2 tấn.

Lý giải việc hàng tồn tại cảng, đặc biệt là tại Cảng Cát Lái tăng đột biến vào đầu năm 2024, Cục Hải quan TP.HCM cho biết đây là thời điểm cuối năm âm lịch, các doanh nghiệp nhập hàng nhiều, trong đó có nhiều hàng chưa xử lý kịp nên chuyển thành hàng tồn đọng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết với hàng nghìn container phế liệu tại các cảng biển đã chiếm dụng diện tích rất lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác của các cảng biển.

Đồng thời, doanh nghiệp mất hàng tỷ đồng về chi phí lưu kho, chưa kể phát sinh 100 - 150 USD/container phí vận chuyển các container này từ cảng Cát Lái đi cảng khác để lưu giữ, tạo dư địa để tiếp nhận thêm hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, các lô hàng này bao gồm gỗ nhập khẩu, phế liệu và nhiều loại hàng hóa khác. Với hàng phế liệu, nhiều công ty đứng tên nhập khẩu là công ty "ma". Nhiều lần nhà chức trách thông báo nhưng không đến nhận hàng. Do đó, cơ quan chức năng sẽ tiêu hủy hoặc trả lại hãng tàu để tái xuất đến nơi nhập.

Mặc dù trong nhiều năm qua Cục Hải quan TP.HCM đã rất tích cực trong việc xử lý hàng hóa tồn đọng. Tuy nhiên, việc này không chỉ có cơ quan hải quan mà liên quan đến nhiều đơn vị khác, quy trình xử lý, bán đấu giá... phải qua nhiều khâu.

Để xử lý hàng tồn đọng hiệu quả, cần có sự phối hợp thực hiện của các hãng tàu theo quy định tại Nghị định số 169/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.

Trên thực tế, việc phối hợp xử lý hàng tồn đọng do các doanh nghiệp vận chuyển chưa hiệu quả, vừa tạo áp lực cho cơ quan quản lý, vừa gây khó cho các doanh nghiệp trong việc phải lưu container trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, với lượng container lớn tồn lâu ngày còn mang lại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ách tắc tại cảng. Việc tồn đọng hàng trong bãi cũng làm thiếu container rỗng, buộc các hãng tàu phải tăng giá cước vận chuyển.

Về hướng xử lý, Cục Hải quan TP.HCM cho biết sau khi kiểm tra, xác minh sẽ thông báo tìm chủ hàng tồn đọng với hàng hóa lưu giữ quá 90 ngày; xác lập quyền sở hữu toàn dân; thành lập hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng theo từng năm gồm các sở, ngành có liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính… Sau đó, tùy vào tình hình hàng hóa sẽ có kế hoạch đấu giá hoặc tiêu hủy.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate