Khu đô thị mới Thủ Thiêm dù đã đền bù hơn 99% nhưng vẫn còn những hộ chưa nhận đền bù giải toả.
Tại hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ khóa I, nhiệm kỳ 2020-2025 (mở rộng), do Thành ủy TP. Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức mới đây, thông tin về tình hình giải quyết những vấn đề còn tồn đọng đến đền bù, tái định cư cho người dân tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Nguyễn Văn Nên, Bí Thư Thành uỷ TP.HCM, cho biết đến nay UBND TP.Thủ Đức đã giải quyết chính sách tái định cư, cấp sổ hồng cho 22/331 hộ ở khu 4,3 ha ngoài ranh khu đô thị Thủ Thiêm và 18/41 hộ dân ở khu công nghệ cao.
HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN ỔN ĐỊNH CUỘC SỐNG
Đối với khu đô thị mới Thủ Thiêm, dù đã đền bù hơn 99% với khoảng 15.000 hộ, nhưng vẫn cần giải quyết thỏa đáng cho những trường hợp còn lại trên các nguyên tắc chấp hành nghiêm quy định pháp luật, chỉ đạo cấp trên, chỉ đạo của thanh tra, kiểm toán.
Để giải quyết những khiếu nại liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư của người dân, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu chính quyền TP. Thủ Đức quan tâm, phấn đấu làm sao trước Tết Nguyên đán 2023 phải giải quyết một số vấn đề cơ bản trước mắt cho các hộ dân ở các dự án tồn tại kéo dài.
“TP. Thủ Đức cần dùng hết các phương cách có thể để chia sẻ, hỗ trợ với người dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, phải giải quyết sớm nhất các nhu cầu bức thiết của người dân như: đất ở, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, điều kiện sống người dân...”, ông Nên nhấn mạnh.
Trước đó, vào tháng giữa tháng 9/2022, UBND TP. Thủ Đức đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các hộ dân trong khu 4,39 ha, (thuộc một phần Khu phố 1, phường Bình An, quận 2 cũ) nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện Thông báo số 1483/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ về kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP.HCM tìm giải pháp khắc phục sai sót, trả lại quyền lợi cho các hộ dân thuộc khu này.
Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 3444/QĐ-UBND về duyệt "Bản đồ xác định ranh giới phần diện tích đất 4,39 ha thuộc một phần Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2". Theo đó, có 331 hộ gia đình, cá nhân được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bổ sung trong khu này.
MONG CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CHO TP. THỦ ĐỨC
Một nội dung quan trọng đối với TP. Thủ Đức là cơ chế đặc thù để phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Nên, khi thành lập TP. Thủ Đức, Thành ủy TP.HCM cũng đặt ra sứ mệnh phải xây dựng Thủ Đức là thành phố thông minh, khu đô thị tương tác cao ở phía đông, trong đó, tập trung hoàn thiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm và xây dựng Thủ Thiêm thành Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực.
Do đó, TP.HCM đã chuẩn bị đề xuất những nội dung cụ thể trong Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, trong đó có nội dung cơ chế đặc thù cho TP. Thủ Đức.
“Xin được phân cấp, phân quyền để chúng ta chủ động hơn, thực hiện các sứ mệnh, nhiệm vụ của TP. Thủ Đức. Nếu như không có những “trợ thủ” khác về mặt cơ chế, chính sách mang tính riêng biệt cho TP. Thủ Đức, thì khó có thể hoàn thành mục tiêu đề ra”, ông Nên chia sẻ.
Về phía TP. Thủ Đức, trong năm 2022, địa phương này cũng đã nghiên cứu và đề xuất với TP.HCM để kiến nghị với Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách phát triển phù hợp với quy mô và tính chất của chính quyền đô thị như hiện nay của Thủ Đức; cơ bản hoàn thành công tác lập quy hoạch chung TP. Thủ Đức tầm nhìn đến năm 2040…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch HĐND TP. Thủ Đức, tiến độ xây dựng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch để cụ thể hóa Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM còn chậm so với kế hoạch.
Về tình hình thu ngân sách nhà nước tại TP. Thủ Đức, năm 2022, dự ước không đạt chỉ tiêu đề ra. Tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đất đai còn trễ hạn 6,4% (chỉ tiêu 4%)…