Thông tin trên được ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết tại hội thảo "Thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và các quy chuẩn để tiếp cận hệ thống phân phối Aeon Việt Nam".
Sự kiện do ITPC phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Topvalu và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Việt Nam tổ chức vào chiều 26/8, với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản và cập nhật các quy chuẩn của hệ thống phân phối AEON.
Năm 2024, nhiều hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa TP.HCM và Nhật Bản, điển hình là chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và sự kiện "Ngày Thành phố Hồ Chí Minh tại Osaka, Nhật Bản" vào tháng 5 và chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhà nhập khẩu, nhà phân phối Nhật Bản và giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại hệ thống phân phối hiện đại Aeon Nhật Bản vào tháng 6 do ITPC tổ chức.
Theo kế hoạch, ngày 12-15/12, ITPC sẽ tổ tiếp tục chức Triển lãm sản phẩm doanh nghiệp Việt và Hội nghị kết nối doanh nghiệp đưa hàng vào chuỗi siêu thị AEON năm 2024 tại AEON Mall Tân Phú.
Tại hội thảo, đại diện Tham tán thương vụ Việt Nam tại Osaka Nhật Bản, cho biết những nhóm hàng hóa Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản là dệt may; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ; gỗ và các sản phẩm gỗ, hàng thủy sản; điện thoại và linh kiện… Hiện, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản nên dư địa và cơ hội còn rất lớn.
Bên cạnh đó, tại Nhật Bản, số lượng người Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc là khoảng 500 nghìn người. Đây cũng là một lực lượng người tiêu dùng tiềm năng và đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản.
Theo ông Fukui Tomoaki, Giám đốc cấp cao bộ phận thương mại Công ty Trách nhiệm hữu hạn AEON TOPVALU Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo các quy định tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm từ quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản đến sản xuất chế biến đến đóng bao bì, lưu thông, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện môi trường… Đặc biệt, cần tăng cường tham gia các hoạt động, chương trình quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm tại Nhật Bản để có cơ hội gia tăng thị phần, hướng đến mục tiêu chinh phục khách hàng Nhật Bản.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 7 tháng năm 2024 ước đạt 25,87 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản ước đạt 13,46 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ.
Trong nhiều năm, Nhật Bản là đối tác kinh tế - thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã tạo ra những khuôn khổ hợp tác thiết thực, thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư và kinh doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản.