Mục tiêu nhằm tổ chức, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ được giao; đồng thời phối hợp với chủ đầu tư để kịp thời tham mưu, xử lý các nội dung liên quan thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân TP.HCM, đáp ứng đúng tiến độ dự án.
Theo kế hoạch do Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Bùi Xuân Cường ký ban hành, chủ đầu tư có nhiệm vụ trình thủ tục, lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án. Phấn đấu phê duyệt dự án (đoạn qua địa phận TP.HCM) trước ngày 19/8/2025, hoàn thành khu tái định cư trong quý II-2026.
Cụ thể, chủ đầu tư phải trình thủ tục, lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. Phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải hoàn thành trong tháng 10/2025. Mặt bằng phải được bàn giao để thực hiện dự án trong tháng 12/2026.
Quy trình thu hồi đất và bồi thường sẽ được thực hiện đồng bộ, từ việc tổ chức họp với người dân trong khu vực bị ảnh hưởng, đến việc điều tra, đo đạc, xác định nguồn gốc và tình trạng pháp lý nhà đất. Kế tiếp, các phương án bồi thường sẽ được lập, lấy ý kiến công khai, thẩm định và phê duyệt theo đúng quy định pháp luật. Việc chi trả bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư sẽ được tiến hành ngay sau khi có quyết định thu hồi đất.
Tiến hành đồng thời với công tác giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân TP.HCM sẽ chỉ đạo rà soát quỹ đất xung quanh các nhà ga và depot để phục vụ định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development, là mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng).
Ủy ban nhân dân TP.HCM giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, công tác chuẩn bị khu tái định cư, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ dự án; phục vụ tạo quỹ đất khai thác vùng phụ cận nhà ga, depot đường sắt theo mô hình TOD.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan; ủy ban nhân dân các phường Long Phước, Long Trường, Bình Trưng, An Khánh thực hiện các nhiệm vụ được giao trong công tác tổ chức, phối hợp, triển khai thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và công tác chuẩn bị quỹ đất để khai thác.
Sở Tài chính TP.HCM chịu trách nhiệm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập; thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt, depot để tạo quỹ đất bán đấu giá.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam đoạn qua TP.HCM có chiều dài 13,49 km. Phạm vi sử dụng đất của dự án khoảng 110 ha gồm phần tuyến dài gần 13,5 km với diện tích 32,2 ha; ga Thủ Thiêm khoảng 17,3 ha; depot Long Trường khoảng 60,5 ha, đều chưa được giải phóng mặt bằng…
Hướng tuyến của dự án sẽ đi qua địa phận các phường An Khánh, Bình Trưng, Long Trường, Long Phước, dọc theo hành lang cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; trong đó đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 hiện đã giải phóng mặt bằng. Đoạn từ vành đai 2 đến Vành đai 3 TP.HCM cũng nằm trong hành lang quy hoạch 40 m, có hiện trạng đất trống và nhà, chưa giải phóng mặt bằng.
Đoạn từ Vành đai 3 đến hết địa phận TP.HCM (sông Đồng Nai), tuyến đường sắt đi song song cạnh đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và trong hành lang quy hoạch 140 m; trong đó hành lang dành cho đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam là 30 m, hiện trạng cơ bản là đất trống và chưa giải phóng mặt bằng.
Trước đó, trong báo cáo Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực đường sắt, Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết, trên cơ sở ranh mốc sơ bộ do Bộ Xây dựng cung cấp, Thành phố đã xác định phạm vi thu hồi đất để thực hiện dự án. Trong đó, ga Thủ Thiêm đã được xác lập trong đồ án Quy hoạch chung thành phố và Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức trước đây; khu đất này hiện chưa giải phóng mặt bằng, có hiện trạng là nhà ở và đất trống. Khu depot Long Trường cũng đã được xác lập trong đồ án Quy hoạch chung thành phố và Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức, hiện chưa giải phóng mặt bằng, nhưng thuận lợi khi chủ yếu là đất nông nghiệp.
Tổng kinh phí sơ bộ dành cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho đoạn tuyến qua TP.HCM dự kiến khoảng 2.575,8 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 2.114 tỷ đồng.