Do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch học tập trên môi trường Internet đến hết kỳ 1. Năm học mới bắt đầu được gần nửa tháng nhưng theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay còn khoảng 200.453 học sinh chưa có sách giáo khoa, chiếm tỷ lệ 17,35%.
Để khắc phục tình trạng này, thành phố đã chỉ đạo phải coi sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu và yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tạo điều kiện cho việc vận chuyển. Theo đó, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường học trên địa bàn phối hợp với Bưu điện thành phố, Viettel Post giao sách giáo khoa kịp thời phục vụ cho việc học tập.
Đặc biệt, với các quận, huyện có tỉ lệ học sinh chưa có sách giáo khoa còn cao và tỉ lệ giao sách giáo khoa chậm như quận 3, 4, 7, 10, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Nhà Bè, các chủ tịch Ủy ban nhân dân phải tập trung chỉ đạo thật quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, Công an thành phố cũng phải tạo điều kiện cho việc lưu thông.
Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến nay toàn thành phố có 94,34% học sinh tiểu học tham gia học trên Internet. Ngoài ra, bậc trung học cơ sở là 93,91% học sinh; trung học phổ thông là 97,52% học sinh; giáo dục thường xuyên có 88,62% học sinh cũng tham gia học trực tuyến.
Sở lưu ý việc triển khai dạy và học trên Internet không được gây áp lực, quá tải cho học sinh; phải linh hoạt, chậm, chắc, không nóng vội, không chủ quan, cào bằng. Để khắc phục những hạn chế đối với phương thức này, dạy học qua truyền hình đã được triển khai với ưu tiên trước mắt dành cho học sinh lớp 1, lớp 2. Một chương trình phát sóng dựa trên nội dung của bộ Sách giáo khoa "Chân trời sáng tạo" được những giáo viên giỏi của thành phố trực tiếp đảm nhiệm (Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố chọn lựa).
Cụ thể, chương trình cho học sinh lớp 1 có chủ đề "Lớp 1 vui học" phát sóng từ 9h-10h các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần, phát lại lúc 15h-17h cùng ngày. Chương trình "Lớp 2 chăm ngoan" được phát sóng từ 9h-10h thứ 3, 5, 7 và phát lại trong khung giờ 15-17h cùng ngày.
Theo hướng dẫn của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, phụ huynh có con đang theo học lớp 1, lớp 2 có thể theo dõi chương trình học trực tuyến của kênh HTV Key ở các hạ tầng phát sóng kỹ thuật số sau: HTVC (Kênh số 5); SCTV (Kênh 196); VTVCab (Kênh 78) Viettel TV (Kênh 176); FPT Play (Kênh 14): MyTV (Kênh 14); AVG (Truyền hình số mặt đất kênh 65....
Ngoài việc chỉ đạo, hướng dẫn để các đơn vị thực hiện việc dạy học online, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố còn lên kế hoạch, khi thành phố triển khai kiểm soát tốt dịch bệnh, các trường dần được trả lại, ngành Giáo dục sẽ đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, ưu tiên các khối lớp 1, 2, đầu và cuối cấp, chia nhỏ lớp để học trực tiếp.
Hiện nay, thành phố vẫn có 1.253 cơ sở trường học đang được trưng dụng cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Hơn 14.300 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tham gia công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Đến trung tuần tháng 9/2021, tỷ lệ giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đạt 90,17% trong đó gần 56% giáo viên tiêm đủ 2 mũi.
Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động toàn ngành bị mất việc làm là 12.341 người. Trong đó, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là bậc mầm non với 10.129 nhân sự bị huỷ hoặc hoãn hợp đồng lao động. Ngoài ra có 3.386 giáo viên đang thuộc diện F0. Về phía học sinh, thành phố có 1.517 học sinh mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 10.073 học sinh phổ thông thuộc diện F0.