Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM , trong 6 tháng đầu năm, Thành phố ghi nhận hơn 82.589 lao động nghỉ việc làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. So với cùng kỳ, con số này tăng 5.066 người.
Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh dẫn đến giảm giờ làm, thiếu việc; giữa doanh nghiệp và người lao động tiến hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc doanh nghiệp không tiếp tục gia hạn hợp đồng lao động.
VẪN KHÓ KHĂN NHƯNG ĐANG DẦN HỒI PHỤC
Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho thấy, trong 6 tháng đầu 2023, Sở đã nhận thông báo cho người lao động thôi việc của 23 doanh nghiệp vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ với tổng số lao động mất việc là 1.137 người.
Trong đó, có 14 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 8 doanh nghiệp dân doanh và 1 đơn vị sự nghiệp. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng thêm 9 doanh nghiệp và tăng 1.065 người lao động mất việc. Tổng số tiền trợ cấp mất việc mà người lao động nhận được theo quy định là hơn 28 tỷ đồng.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, con số 1.137 người lao động mất việc này chưa bao gồm số lượng chấm dứt hợp đồng lao động theo cơ chế thỏa thuận như trường hợp hơn 8.000 người lao động bị cắt giảm ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam vì sụt giảm đơn hàng gia công xuất khẩu, và trường hợp 342 người lao động Công ty dệt kim Đông Minh mất việc vì doanh nghiệp này giải thể.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, TP.HCM xảy ra 6 vụ tranh chấp lao động tập thể với 1.619 người tham gia, các vụ tranh chấp này xảy ra trong thời điểm trước Tết Nguyên đán năm 2023 và đã được giải quyết không ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Về xuất khẩu lao động, 6 tháng đầu năm, có 3.940 lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng 1.009 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tập trung ở thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức... với các ngành nghề chế biến thực phẩm, đóng gói, điều dưỡng.
Đến hết ngày 31/5, tổng số lượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội là hơn 2,49 triệu người (chiếm 54% tổng số 4,6 triệu người trong độ tuổi lao động).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM ghi nhận hơn 82.500 người lao động nghỉ việc làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 5.066 người so với cùng kỳ năm 2022.
“Điều này cũng cho thấy thời gian tới thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khi kinh tế thế giới vẫn còn biến động”, ông Lâm cho biết thêm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM đã giải quyết việc làm cho 163.122 lượt người và tạo ra 72.935 việc làm mới. So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,21%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,25%. “Thị trường lao động việc làm của TP.HCM có dấu hiệu từng bước phục hồi”, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết thêm.
NHU CẦU NHÂN LỰC NGÀNH THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ CHIẾM GẦN 65%
Theo dự báo của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trường hợp kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn có chiều hướng tăng trưởng chậm lại, dẫn đến doanh nghiệp trong nước xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm thì Thành phố cần khoảng 155.000 - 165.000 chỗ việc làm.
Xét về cơ cấu ngành, dự báo cho thấy, nhu cầu nhân lực ở khu vực thương mại, dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất với khoảng 64,57% tổng nhu cầu nhân lực. Tiếp theo là khu vực công nghiệp xây dựng với 34,6% và khu vực nông – lâm – thủy sản có nhu cầu nhân lực thấp nhất, chỉ khoảng 0,81%.
Trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu thì ngành cơ khí chiếm 6,1% tổng nhu cầu nhân lực; điện tử - công nghệ thông tin là 7,2%; chế biến tinh lương thực thực phẩm là 4%; hóa dược-cao su chiếm 4,6%.
Những ngành dịch vụ có nhu cầu cần nhân lực cao như ngành thương mại chiếm 18,4%; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm chiếm 6,2%; kinh doanh tài sản, bất động sản chiếm gần 8%. Một số ngành dịch vụ khác cũng có nhu cầu tuyển lao động như vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng – hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu; du lịch; bưu chính, viễn thông và công nghệ – thông tin, dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học – công nghệ.
Xét về điều kiện tuyển chọn, các ngành nghề có nhu cầu tuyển lao động đã qua đào tạo chiếm hơn 86% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, lao động ở trình độ đại học là 17,8%, cao đẳng là 26,6%, trung cấp chiếm 26,9% và sơ cấp là 15,37%. Nhu cầu lao động phổ thông ở mức thấp với 13,87%.
Nhằm hỗ trợ người lao động trong việc mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 368 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tổng quy mô đào tạo khoảng 300.000 người học các trình độ.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, các ngành nghề trình độ sơ cấp, đạo tạo kỹ năng dưới 3 tháng đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường lao động Thành phố.
“Chất lượng nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp đang dần khẳng định vị thế với xã hội, kiến thức chuyên môn và trình độ kỹ năng nghề của người lao động sau tốt nghiệp ngày càng tiệm cận với thực tế sản xuất đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp”, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết thêm
Trong năm 2023, Sở cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 451/KH-UBND gày 14/2/2023 về Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố.