March 21, 2023 | 10:00 GMT+7

TP.HCM hợp tác phát triển kinh tế xã hội với các tỉnh Đông Nam Bộ

Xuân Nghi -

Vùng Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước đồng thời là địa bàn thu hút vốn FDI lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI cả nước. TP.HCM là hạt nhân của vùng, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và của cả nước...

Đường Vành đại 3 TP.HCM, điểm đầu của cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, tuyến cao tốc phía Tây trong liên kết vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: Lê Toàn.
Đường Vành đại 3 TP.HCM, điểm đầu của cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, tuyến cao tốc phía Tây trong liên kết vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: Lê Toàn.

Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ diễn ra cuối tuần qua tại Bình Phước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP.HCM cho các địa phương trong vùng.

HỢP TÁC PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI

Các tỉnh Đông Nam Bộ gồm TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Chương trình hợp tác phát triển giữa các địa phương này với nhau đã được ký kết từ năm 2016.

Đến nay, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã thực sự trở thành cầu nối giúp các tỉnh, thành phố liên kết, hợp tác với nhau, đạt được những kết quả quan trọng trong nhiều lĩnh vực.

Đông Nam Bộ là vùng có có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp hiện đứng đầu cả nước và là khu vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước, chiếm 41,1% tổng vốn FDI cả nước; trong đó, TPHCM là hạt nhân của vùng trên gần như tất cả các lĩnh vực.

Theo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi, TPHCM luôn ý thức sự phát triển của mình không thể tách rời và có đóng góp rất lớn của các địa phương vùng Đông Nam Bộ và các vùng khác. “Thông qua hợp tác, liên kết vùng, TP.HCM là địa phương được hưởng lợi nhất trong việc mở rộng không gian phát triển, có thêm những ý kiến đổi mới sáng tạo, kiểm nghiệm nhiều mô hình để phát triển các thế mạnh, đặc thù của từng địa phương”, ông Mãi nhận xét.

Đến nay, TP.HCM có quan hệ hợp tác với ba tỉnh là Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh; hai địa phương còn lại là Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu hiện chưa có các chương trình hợp tác cụ thể. Vì vậy, người đứng đầu chính quyền TP.HCM mong muốn lãnh đạo các địa phương cùng bàn chương trình khác chung cho cả vùng, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về Đông Nam bộ.

Các địa phương đã bàn bạc, trao đổi về việc tập trung nguồn lực xây dựng những công trình trọng điểm cấp vùng, đẩy mạnh liên kết và hợp tác giữa các địa phương giúp chia sẻ nguồn tài nguyên, cùng sử dụng chung cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay, đường cao tốc, đẩy mạnh phân cấp vùng để hình thành cơ chế riêng nhằm tập trung xử lý các vấn đề quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và huy động phân bổ nguồn lực của vùng.

Tỉnh Bình Phước, địa phương tách ra từ tỉnh Sông Bé cũ (Sông Bé tách ra thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước), có xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu. Tuy nhiên, Bình Phước đã bứt tốc trong vòng hơn một thập niên trở lại đây và đang thu hút đầu tư đến từ TP.HCM với những kết quả tích cực.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, hiện địa phương này có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP.HCM, với số vốn đăng ký gần 20.000 tỷ đồng; cóhai siêu thị Co.op Mart tại thành phố Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, 71 cửa hàng tiện ích Bách Hóa Xanh tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Các hoạt động hợp tác về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và an sinh xã hội ngày càng có nhiều kết quả tốt đẹp.

LIÊN KẾT HẠ TẦNG GIAO THÔNG CÙNG PHÁT TRIỂN

Về vấn đề liên kết vùng, ông Lê Ngọc Khánh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, liên kết vùng Đông Nam Bộ hiện nay và thời gian tới quan trọng nhất là liên kết về giao thông. Thực hiện tốt liên kết về giao thông sẽ thúc đẩy sự phát triển vùng.

TP.HCM và 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ ký kết hợp tác phát triển kinh tế xã hội.
TP.HCM và 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ ký kết hợp tác phát triển kinh tế xã hội.

Vùng Đông Nam Bộ có đủ năm phương thức vận tải, gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không. Cụ thể: Đường bộ có tổng chiều dài khoảng 11.838 km (gồm cao tốc khoảng 95 km, quốc lộ  1.266 km, tỉnh lộ 2.666 km…); đường sắt với tổng chiều dài khoảng 110 km; đường thủy nội địa có bốn tuyến hành lang chính đóng vai trò kết nối nội - vùng, liên vùng.

Bốn tuyến hành lang thủy nội địa gồm: Hai tuyến hành lang kết nối phía đông và tây khu vực đồng bằng sông Cửu Long là tuyến TP.HCM - Cà Mau, tuyến TP.HCM - Kiên Lương đi qua khu vực Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên; một tuyến hành lang kết nối TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương qua sông Đồng Nai và một tuyến hành lang kết nối TP.HCM với cảng Cái Mép - Thị Vải qua sông Nhà Bè và sông Đồng Tranh.

Trước đó, ngày 26/11/2022, tại Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng.

Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã thông báo dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ khoảng 413.000 tỷ đồng. Ông Thắng cũng cho biết quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chú trọng đến hệ thống đường bộ (cao tốc, quốc lộ) kết nối vùng với TP.HCM, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải.

Cũng theo quy hoạch này, vùng Đông Nam Bộ sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông và phía tây, các tuyến cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM (Vành đai 3, Vành đai 4). Cùng với đó, 20 tuyến quốc lộ dài khoảng 1.743 km sẽ đảm nhận vận tải hành khách, hàng hóa để kết nối liên vùng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate