May 26, 2023 | 14:37 GMT+7

TP.HCM lấy ý kiến về quy hoạch quảng cáo ngoài trời đến năm 2030

Hoài Niệm -

Dự thảo về quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên toàn địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2023 vừa được đưa ra lấy ý kiến ở tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp để hoàn thiện quy hoạch trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

TP.HCM đang quy hoạch lại quảng cáo ngoài trời theo hướng hiện đại, thân thiện, phù hợp với phát triển đô thị.
TP.HCM đang quy hoạch lại quảng cáo ngoài trời theo hướng hiện đại, thân thiện, phù hợp với phát triển đô thị.

Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP.HCM được lập từ năm 2003, hiện nay có nhiều sự thay đổi về hình thức, phương tiện quảng cáo theo hướng hiện đại, nhu cầu quảng cáo phát sinh nhiều vị trí mới nên không còn phù hợp với sự phát triển của đô thị.

NHỮNG BẤT CẬP CỦA QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI

Đặc thù địa bàn TP.HCM rộng lớn, nhu cầu hoạt động quảng cáo diễn ra thường xuyên nên số lượng biển hiệu, bảng quảng cáo tăng hàng năm.

Theo dự thảo Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch), do đặc thù đó mà công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực quảng cáo trên địa bàn Thành phố gặp nhiều khó khăn, không đồng bộ, thiếu tính thống nhất giữa các quận, huyện.

Song song, không bảo đảm về cảnh quan, mỹ quan của khu vực đặt bảng quảng cáo, ảnh hưởng của bảng quảng cáo đến trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đối với khu vực xung quanh trong trường hợp có mưa, giông, bão,… khiến có thể ngã đổ, gây tai nạn cho người và thiệt hại về tài sản.

Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, tính đến năm 2019, TP.HCM có 5.497 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo; trong đó có 5.368 doanh nghiệp ngoài nhà nước (97%) và có 129 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (3%).

Quy hoạch quảng cáo ngoài trời được thực hiện dựa trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân các quận, huyện và TP. Thủ Đức tổng hợp từ nhu cầu, đăng ký thực hiện của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quảng cáo. Các vị trí quy hoạch quảng cáo ngoài trời sau khi được phê duyệt sẽ được công khai, phổ biến rộng rãi trên phương tiện truyền thông và các doanh nghiệp quảng cáo.

Đồng thời, Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu công khai các vị trí trên đất công, các doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu theo quy định pháp luật.

Dự thảo Quy hoạch nhấn mạnh: Việc ban hành Quy hoạch quảng cáo ngoài trời nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy đúng mức vai trò quy hoạch trong quản lý, thống nhất quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố, tạo sự đồng bộ, nhất quán; chấn chỉnh và không để xảy ra tình trạng mất trật tự và vi phạm các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời cả về nội dung, hình thức, vị trí và công nghệ.

Dự thảo Quy hoạch cũng định hướng phát triển đến năm 2030, xác định mục tiêu nội dung quy hoạch và giải pháp nhằm đưa hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp, nội dung và hình thức đảm bảo thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, trật tự mỹ quan đô thị và an toàn xã hội.

CÁC PHƯƠNG TIỆN QUẢNG CÁO VÀ ĐẤT CHO QUẢNG CÁO

Theo dự thảo Quy hoạch, nội dung quảng cáo ngoài trời gồm: Phương tiện tuyên truyền cổ động chính trị, phục vụ lợi ích xã hội kết hợp quảng cáo thương mại; và quảng cáo thương mại.

Đối với các phương tiện tuyên truyền cổ động chính trị, phục vụ lợi ích xã hội kết hợp thương mại, dự thảo nêu rõ ưu tiên xác định quy hoạch các vị trí quan trọng. Bao gồm: Các trục đường, tuyến đường có ý nghĩa chính trị - xã hội của địa phương; nơi tập trung dân cư, có tầm nhìn tốt, ổn định và lâu dài; khu trung tâm hành chính của Thành phố và 22 đơn vị quận, huyện, TP. Thủ Đức; các cơ quan, đoàn thể, quân đội, công an; một số điểm nút giao thông, trục giao thông quan trọng, đường vành đai, đường xuyên tâm; khu trung tâm văn hoá, khu vui chơi giải trí, các khu quảng trường; khu thể dục, thể thao; trung tâm thương mại; công viên; điểm giáp ranh giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh.

TP.HCM hiện có 5.497 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo; trong đó có 5.368 doanh nghiệp ngoài nhà nước (97%) và có 129 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (3%).
TP.HCM hiện có 5.497 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo; trong đó có 5.368 doanh nghiệp ngoài nhà nước (97%) và có 129 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (3%).

Về mặt kỹ thuật, các phương tiện tuyên truyền cổ động chính trị ưu tiên sử dụng công nghệ mới hiện đại, tạo hiệu quả cao về mặt tuyên truyền đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố. Đối với phương tiện quảng cáo xã hội hóa cổ động chính trị kết hợp quảng cáo thương mại phải tuân thủ theo quy định Luật Quảng cáo, đồng thời phải đóng phí thuê vị trí lắp đặt theo quy định cho cơ quan quản lý…

Đối với quảng cáo thương mại bao gồm khu vực không quảng cáo và khu vực hạn chế quảng cáo. Đối với khu vực không quảng cáo, dự thảo quy định: Nghiêm cấm quảng cáo trên hàng rào, trong khuôn viên và trên công trình kiến trúc hành chính, chính trị, quân sự, ngoại giao, trụ sở các đoàn thể; công trình tôn giáo, tín ngưỡng; công trình kiến trúc bảo tồn; tượng đài; trên hàng rào và bề mặt ngoài của các công trình giáo dục, y tế; các công trình và trong phạm vi hành lang bảo vệ các tuyến đường dây, đường ống hạ tầng kỹ thuật; các công trình băng ngang đường giao thông như: cổng chào, trạm thu phí, thanh chắn đường ngang đường sắt, giá long môn, cầu bộ hành...

Khu vực hạn chế quảng cáo: Chỉ quảng cáo trong các sự kiện tại các khu vực gồm: Khu vực trước trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố; ku vực đường đi bộ Nguyễn Huệ; khu vực quảng trường Công xã Paris; khu vực Công trường Quốc tế (bên trong khuôn viên Hồ Con Rùa). Bảng quảng cáo chỉ lắp đặt tạm thời trong thời gian diễn ra sự kiện, chương trình.

Về quy định cho các phương tiện quảng cáo, bảng quảng cáo độc lập phải đảm bảo các yêu cầu về kết cấu, vật liệu, chiếu sáng, cấp điện, chống sét, an toàn cháy nổ, bảo đảm yếu tố kỹ thuật theo quy định của Luật Xây dựng. Bảng quảng cáo đứng độc lập dọc tuyến đường ngoài đô thị, thực hiện theo quy định tại mục 2.2.1.2 Thông tư số 04/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời.

Về vị trí lắp đặt, kích thước bảng quảng cáo cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật khác thực hiện kèm theo Quy chế sau khi được phê duyệt; đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật như Luật Xây dựng, Luật Quảng cáo, các quy định theo các quyest định của Ủy ban nhân dân TP.HCM.

Về đất cho quảng cáo, dự thảo dự kiến diện tích sử dụng đất cho các vị trí quảng cáo ngoài trời trong quy hoạch theo yêu cầu phát triển của từng giai đoạn quy hoạch. Các địa phương nghiên cứu, bố trí đảm bảo quỹ đất phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quảng cáo trong việc xây dựng, lắp đặt bảng quảng cáo trên địa bàn theo quy định.

Trong trường hợp nhà nước tổ chức đấu thầu hoặc giao cho các đơn vị quản lý khai thác các vị trí quảng cáo trên đất công, công viên, hệ thống phương tiện giao thông công cộng do nhà nước quản lý: Các tổ chức, cá nhân phải có văn bản thông báo kết quả trúng thầu. Hợp đồng hoặc văn bản đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Lộ trình thực hiện gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ lập Quy hoạch đến khi phê duyệt năm 2024. Giai đoạn 2 (2024 – 2026): tiếp nhận thủ tục xin cấp phép xây dựng, hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo tại các vị trí quy hoạch quảng cáo ngoài trời được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt. Giai đoạn 3 (2026 – 2030): điều chỉnh, hoàn thiện Quy hoạch ở giai đoạn cao hơn cho phù hợp với tình hình phát triển trên địa bàn Thành phố theo công nghệ hiện đại, tiên tiến.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate