Các số liệu trên được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM công bố tại cuộc họp giao ban giải ngân vốn đầu tư công tháng 5/2023.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, sở dĩ giải ngân vốn đầu tư công tăng là do chi bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Tổng hợp kế hoạch giải ngân chi tiết của từng cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư dự án cho thấy đến hết năm 2023 tỷ lệ giải ngân của TP.HCM chỉ đạt 93,1% thấp hơn tỷ lệ 95% mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trước đó. Sở này cũng cho biết thêm, TP.HCM đặt mục tiêu đến hết tháng 6/2023 sẽ đạt tỷ lệ giải ngân trên 35%.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) cho biết, đến tháng 4 vừa qua, TCIP chỉ mới giải ngân được 3%; tuy nhiên, đến nay nhờ chi bồi thường, giải phóng mặt bằng ở dự án đường Vành đai 3 TP.HCM mà tỷ lệ giải ngân đã tăng lên 30% (so với tổng số vốn được giao đợt 1). Nếu tính trên toàn bộ vốn được giao của năm 2023 thì TCIP đã giải ngân đạt 17%.
Cụ thể, dự án Vành đai 3 đã giải ngân hơn 5.600 tỷ đồng chi bồi thường, giải phóng mặt bằng, đồng nghĩa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TCIP tăng 10 lần. “Đây là sự cố gắng rất lớn của các cán bộ làm dự án Vành đai 3 và các địa phương. Tính chung, toàn dự án đã giải phóng mặt bằng đạt 45%; riêng huyện Hóc Môn đã giải phóng mặt bằng đạt 75%”, ông Phúc cho hay. Lãnh đạo TCIP cũng nói rằng, đơn vị phấn đấu đến hết ngày 30/6 sắp tới sẽ đạt tỷ lệ giải ngân trên 35%.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng nêu rõ, trong 4 ban quản lý của TP.HCM, hiện có 2 ban là TCIP và Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp là đạt tỷ lệ giải ngân trên 35%; các ban còn lại gồm Ban quản lý Dự án Đường sắt đô thị (MAUR) và Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị chỉ đạt tương ứng là 31% và 20%.
Năm 2023, TP.HCM có 134 dự án hạ tầng có bồi thường, giải phóng mặt bằng với tổng số tiền dự kiến chi là 20.189 tỷ đồng. Nếu tính luôn số tiền khoảng 4.200 tỷ đồng chi bồi thường của năm 2022 mà các dự án đang triển khai thì tổng số tiền phải chi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong năm 2023 của Thành phố là khoảng 24.400 tỷ đồng.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các chủ đầu tư dự án phải báo cáo tiến độ từng ngày, từng tháng. “Đến nay có 21 dự án chưa báo cáo đầy đủ, 45 dự án chưa báo cáo, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Thành phố nhắc nhở. Yêu cầu chỗ này phải có văn bản phê bình nghiêm túc, bởi vì nhắc nhiều riết lờn rồi!”, ông Mãi nhấn mạnh.
Năm 2022, TP.HCM là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất cả nước. Báo cáo trước đó của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, kết quả chung về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của TP.HCM là 71,3% tổng số vốn giao (không bao gồm vốn kế hoạch năm 2021 kéo dài giải ngân sang năm 2022 và tiền thưởng vượt dự toán thu năm 2021). Trong đó ghi nhận trong năm 2022 có 11 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đầu tư công là 0%...
Lãnh đạo TP.HCM đặt trọng tâm của năm 2023 là năm giải ngân đầu tư công. Theo đó, Uỷ ban nhân dân Thành phố sẽ quyết liệt điều hành đầu tư công theo kế hoạch, phấn đấu đến hết quý 2 giải ngân đạt 35%, hết quý 3 đạt 58%, hết quý 4 đạt 91%, đến tháng 1/2024 đạt ít nhất 95%.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km, đi qua bốn địa phương gồm: Đoạn qua TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km và Long An 6,81 km. Nghị quyết của Quốc hội ngày 16/6/2022 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM nêu rõ, dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.