Những ngày qua, các tỉnh phía Nam liên tục có mưa to và kéo dài do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. TP.HCM cũng không ngoại lệ, tuy nhiên tình trạng cứ mưa to là nước ngập luôn là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.
CỨ MƯA LỚN LÀ SÀI GÒN LẠI NGẬP!
Ở các quận Gò Vấp, Thủ Đức, quận 12... nhiều tuyến đường ghi nhận “nước ngập như sông” sau cơn mưa lớn và kéo dài vài tiếng đồng hồ.
Tại TP. Thủ Đức, các tuyến đường thường xuyên ngập mỗi lúc mưa lớn như Quốc Hương, Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Đỗ Xuân Hợp,… do nước từ các nơi cao hơn ồ ạt đổ về. Các tuyến đường Phạm Văn Chiêu, Phan Huy Ích, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Khối (Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Trần Xuân Soạn (quận 7), Tô Ngọc Vân, quốc lộ 13 đoạn bến xe Miền Đông, Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh (Bình Thạnh), Tô Hiệu, Phan Anh, Nguyễn Văn Yến (Tân Phú),… nước ngập có đoạn đến gần cả mét, xe cộ chết máy la liệt, gây ùn tắc giao thông kéo dài.
Theo giải thích của Trung tâm Quản lý hạ tầng Kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, tình trạng ngập nước sau mưa lớn là do triều cường hoặc mưa trùng với thời điểm triều cường (nhiều tuyến đường có lý trình chạy song song với bờ kênh, bờ sông…). Mưa lớn nước thoát không kịp gặp phải triều cường đang lên đã khiến những tuyến dường thường xuyên ngập càng ngập nhiều hơn.
Nguyên nhân ngập theo lý giải của cơ quan chức năng không mới vì tình trạng mưa lớn – ngập lụt tại TP.HCM vốn đã tồn tại từ hàng chục năm qua, các chuyên gia, giới khoa học đã từng cảnh báo. Một nguyên nhân được cho là cốt lõi, theo cảnh báo từ giới chuyên gia là TP.HCM có tốc độ đô thị hóa quá nhanh trong lúc hạ tầng đô thị (xây dựng, nâng cấp đường, hệ thống thoát nước…) không theo kịp.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ tập trung triển khai nhiều dự án thoát nước, chống ngập. Đơn cử một số dự án như dự án xây dựng, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè; dự án thoát nước mưa và nước thải TP.HCM; dự án nạo vét, cải tạo môi trường ven rạch Xuyên Tâm; dự án cải tạo kênh Hy Vọng; dự án cải tạo các trục tiêu thoát nước chính gồm rạch Văn Thánh, rạch Xóm Củi, rạch Bà Lớn…
Riêng “đại dự án” chống ngập – ngăn triều 10.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) đầu tư, được khởi công xây dựng vào giữa năm 2016, dự kiến khánh thành và đưa vào khai thác dịp tháng 4/2018; tuy nhiên dự án đã đình trệ từ đó cho đến nay. Những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn khiến tiến độ hoàn thành dự án lùi lại nhiều lần.
SIẾT CAO ỐC, GẤP RÚT XÂY HỒ ĐIỀU TIẾT CÓ GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM?
Mới đây, vào cuối tháng 6/2022, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Võ Văn Hoan đã có kết luận chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập của Thành phố, sớm đưa vào sử dụng.
Riêng với Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1, thuộc dự án chống ngập theo quy hoạch thủy lợi Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008), tức dự án chống ngập 10.000 tủy đồng, ông Võ Văn Hoan yêu cầu chậm nhất vào đầu năm 2023 phải đưa vào vận hành.
Theo các chuyên gia, việc phê duyệt cho xây các cao ốc hàng loạt tại TP.HCM trong thời gian qua cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng ngập nặng sau mưa. Không chỉ gây ra ngập, các cao ốc còn là “thủ phạm” của vấn nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông tại TP.HCM, nhất là tại các quận nội thành trong thời gian qua.
PGS. Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Nước và Biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM, chuyên gia về giao thông, cho rằng khi phê duyệt các dự án chung cư, khu đô thị, cơ quan chức năng cần tính đến khả năng trữ và tiêu thoát nước, như xây hồ điều tiết nhằm bảo đảm chống ngập cục bộ, hạn chế dồn nước ra bên ngoài.
Cùng quan điểm với ông Hồ Long Phi, KTS. Ngô Viết Nam Sơn, Tiến sĩ khoa học, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners cho rằng khi xây dựng các tòa nhà cao tầng, các trung tâm thương mại, không gian ngầm,… không chỉ có chức năng thương mại, bãi đậu xe mà sẽ có không gian làm hồ điều tiết. Khi mưa xuống, nước không thoát kịp ra sông thì sẽ trữ ở hồ điều tiết; khi mưa dứt thì nước mưa từ từ chảy ra sông, khu trung tâm sẽ không ngập.
Trước đây, TP.HCM từng có kế hoạch xây hàng loạt hồ điều tiết chống ngập, đặc biệt là đồ án quy hoạch xây dựng 103 hồ điều tiết trên toàn địa bàn với tổng diện tích khoảng 875 ha, mà hồ điều tiết Bàu Cát được xem là dự án thí điểm. Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước Thành phố từng cho rằng, đến năm 2020 TP.HCM sẽ hết ngập khi các dự án chống ngập hoàn thành.
KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhận định TP.HCM đang đi ngược so với kinh nghiệm quốc tế. Thông thường các nước phát triển, cầu cống, đường sá được xây dựng trước xong xuôi thì mới phát triển đô thị. Nhà cao tầng mọc lên, dân cư đến sống đông đúc thấy thiếu cầu đường, hệ thống thoát nước mới bắt đầu xây dựng hoặc nâng cấp.
Không thể phủ nhận, “ngập lụt” ở TP.HCM có nguyên nhân chính là do sự kết hợp giữa mưa và triều. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của đô thị và những tác động khác của con người cũng chính là nguyên nhân làm gia tăng ngập lụt.