Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (Ho Chi Minh Economic Forum – HEF), sáng 24/9, Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần 2 năm 2024 (Ho Chi Minh City Friendship Dialogue - FD) có chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác" đã khai mạc với sự tham dự của lãnh đạo Thành phố cùng với Thống đốc, Tỉnh trưởng, Phó Tỉnh trưởng, Thứ trưởng của các địa phương, bộ, ngành quốc tế đến từ Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Úc, Ấn Độ,…
Phát biểu khai mạc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, nhấn mạnh: “Chuyển đổi công nghiệp là vấn đề thiết yếu và cấp bách đối với chúng ta. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chuyển đổi công nghiệp đã trở thành xu hướng toàn cầu, với việc đầu tư vào công nghệ cao và kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi công nghiệp sâu rộng, nơi mà đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trở thành các yếu tố quyết định cho thành công”.
THÚC ĐẨY TỪ NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, hiện nay chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với TP.HCM và các đô thị trên toàn thế giới. Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, buộc phải đổi mới và thích ứng.
Do đó, hành trình chuyển đổi công nghiệp của TP.HCM được thúc đẩy bởi cả động lực nội tại và những xu hướng toàn cầu.
Về khía cạnh nội tại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM nhận định để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, TP.HCM cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn.
“Hiện tại tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của Thành phố. Với mục tiêu của TP.HCM là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030, qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của Thành phố vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của Thành phố trong cả nước và khu vực”, ông Mãi cho biết.
Về xu hướng toàn cầu, tất cả đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong thị trường quốc tế, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Dẫn chứng từ báo cáo của McKinsey & Company, ông Mãi thông tin khoảng 70% các công ty đa quốc gia đã cam kết cắt giảm ít nhất 25% lượng khí thải carbon của mình vào năm 2030.
Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, gắn kết thương mại với phát triển bền vững. "Do đó, để duy trì sự hiện diện vững chắc trên thị trường toàn cầu, TP.HCM cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn này”, ông Mãi nhấn mạnh.
HÀNH TRÌNH KHÔNG ĐƠN LẺ
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu tư vào công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và Dữ liệu lớn (Big Data) có thể giúp tiết kiệm chi phí sản xuất lên đến 20% và giảm lượng khí thải carbon đến 15% trên mỗi đơn vị sản phẩm.
Mặt khác, báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng công nghệ cao có thể tăng năng suất lao động lên đến 30% trong vòng 10 năm tới, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Để ứng phó với những thách thức này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết Thành phố đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Theo đó, Thành phố cũng đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh, và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM nhấn mạnh: “Mục tiêu của Thành phố là xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương”.
Cũng theo ông Mãi, chuyển đổi công nghiệp là một hành trình không thể thực hiện đơn lẻ. Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khoảng 60% các sáng kiến chuyển đổi công nghiệp thành công là kết quả của sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và người dân, cả trong và ngoài nước.
“Đây chính là lý do tại sao Hội nghị hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ hội để chúng ta học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và khám phá các cơ hội hợp tác mới. Tôi tin rằng thông qua những nỗ lực chung, chúng ta có thể phát triển các giải pháp sáng tạo cho những thách thức trong quá trình chuyển đổi công nghiệp”, ông Mãi cho biết.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố kỳ vọng thông qua Đối thoại Hữu nghị 2024, các địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ có thêm cơ hội trao đổi và hợp tác để cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn. Hướng tới tương lai, TP.HCM cam kết sẽ tiếp tục là một đối tác năng động, cởi mở và chân thành với các địa phương trên thế giới. Thông qua việc thúc đẩy tinh thần hữu nghị và hợp tác, không chỉ đạt được các mục tiêu chung mà còn xây dựng một tương lai tốt đẹp.
Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh City Economic Forum - HEF) lần thứ 5 năm 2024 diễn ra từ ngày 24 – 27/9/2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM”.
Tham dự HEF 2024 có đại diện lãnh đạo của hơn 40 địa phương, Bộ ngành quốc tế tại các nước bao gồm Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Úc, Ấn Độ… Trong số này có 16 cấp Thống đốc, Tỉnh trưởng, Phó Tỉnh trưởng, Thứ trưởng, cùng với hơn 27 chuyên gia trong nước và quốc tế thành công trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, cùng các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), World Bank, FAO, UNDP, UNIDO, IFC, C4IR tại Malaysia xác nhận tham dự.