Việc chuyển đổi các huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030 là một trong những chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM.
CẦN XÂY DỰNG “CON NGƯỜI ĐÔ THỊ”
Tại hội nghị báo cáo sơ bộ các đề án nhánh thuộc Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM, giai đoạn 2021-2030, được UBND TP.HCM tổ chức ngày 08/3/2023, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết nhằm hướng đến sự chuyển đổi và phát triển 5 huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ mang tính bền vững, UBND TP.HCM đã phân công 4 sở và Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì nghiên cứu 5 đề án nhánh, bao gồm: Kinh tế đô thị; Hạ tầng đô thị; Bộ máy đô thị; Văn hóa đô thị và Con người đô thị.
Song song đó, 5 huyện ngoại thành cũng được phân công chủ trị tổ chức xây dựng tổng hợp 5 đề án về đầu tư xây dựng chuyển huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc thành phố), trên địa bàn từng huyện.
Ngoài ra, trong số các đề án nhánh, lần đầu tiên thành phố chỉ đạo nghiên cứu về chủ đề “con người đô thị”, nhằm xây dựng và đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi người nông dân thành thị dân. Đây là sự sáng tạo trong đề xuất và giao chủ đề nghiên cứu mới trong các đề án, hướng đến phát triển bền vững, do con người là trung tâm của mọi vấn đề.
“Từ thực tiễn cho thấy, nếu không đầu tư xây dựng “con người đô thị” tương thích trong môi trường mới, cho dù các huyện ngoại thành có đầu tư cơ sở vật chất hiện đại đến đâu, cũng vẫn xuất hiện những rào cản rất lớn, gây ra cản trở rất lớn quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khi chuyển đổi sang đơn vị hành chính mới cấp quận hoặc cấp thành phố thuộc thành phố, trong thời gian tới”, ông Hoan nhấn mạnh.
Đối chiếu các tiêu chí từ các quy định hiện hành khi chuyển đổi từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị, hầu hết 5 huyện đều vướng tiêu chí theo quy định là 100% xã, thị trấn phải là phường đối với chuyển thành đơn vị hành chính cấp quận, trong khi chỉ đạt tối thiểu là 70% phường trực thuộc đối với đơn vị hành chính cấp thành phố (thuộc thành phố).
Tiêu chí đối với đơn vị hành chính cấp thành phố thuộc thành phố có cho phép huyện giữ lại một số xã nông thôn (30% trong tổng số xã), vẫn được giữ nguyên và xem như là khu vực nông thôn ngoại thành của thành phố mới (thành phố thuộc thành phố), nên sẽ là phương án lựa chọn tối ưu của hầu hết các huyện.
TS Dư Phước Tân, Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, cũng cho rằng đến 2030, 5 huyện ngoại thành đều không thể đạt điều kiện lên quận. Trong đó, vướng nhất là tiêu chí 100% xã, thị trấn phải đạt cấp phường.
Theo ông Tân, các huyện đang dần tiệm cận và có thể vươn tới đạt đô thị loại 3 vào năm 2030. Riêng huyện Bình Chánh gần đạt đô thị loại 3. Cụ thể, huyện Nhà Bè và Hóc Môn chưa đáp ứng diện tích tự nhiên theo quy chuẩn đô thị loại 3 (tối thiểu 150 km2), hiện chỉ đạt 100-109 km2. Nhà Bè và Cần Giờ chỉ có 7 xã, trong khi quy định tối thiểu với đô thị loại 3 là 10 xã. Cần Giờ chưa đáp ứng tiêu chí dân số vì chỉ có 76.000 người trong khi quy định là 150.000 người.
Bên cạnh đó, TP.HCM định hướng phát triển 5 huyện thành các đô thị vệ tinh chủ yếu dựa trên nguồn lực tư nhân bằng phương pháp quy hoạch để tạo ra giá trị từ đất đai, tài nguyên, cảnh quan.
Theo tính toán của PGS.TS Nguyễn Anh Phong, Đại học Kinh tế - Luật, chủ nhiệm đề án nhánh phát triển kinh tế đô thị của các huyện, lượng vốn tư nhân thu hút hàng năm theo 3 nhóm dự án kinh tế, xã hội và môi trường mỗi địa phương từ nay đến 2030 lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, rất lớn.
TS Nguyễn Ngọc Hiếu, Đại học Việt Đức, chủ nhiệm đề án nhánh phát triển hạ tầng, cũng cho rằng chi phí để phát triển đô thị tại 5 huyện sẽ tương đối tốn kém vì nhiều khu vực có rủi ro ngập lụt cao.
“Nhóm nghiên cứu tính toán riêng khu vực đã quy hoạch ở huyện Nhà Bè cần 50-74 triệu m3 đất tôn nền để đảm bảo chống ngập ở phía Nam. Số lượng này gấp gần 10 lần nhu cầu đất đắp nền đường còn thiếu cho 5 đoạn cao tốc phía Đông giai đoạn 2022-2023. Điều này cho thấy thách thức rất lớn”, ông Hiếu nói.
KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG "NHÀ Ở CÓ TRƯỚC HẠ TẦNG"
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, đề án Đầu tư -xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030 đã chậm trễ 2 năm, nếu không khẩn trương hoàn thành để đưa vào quy hoạch chung của thành phố thì những nghiên cứu vừa qua sẽ coi như bỏ.
Ông Hoan cũng nêu rõ, thành phố nghiên cứu vấn đề này để phát triển các huyện thành các đô thị vệ tinh của TP.HCM - những đô thị hiện đại, đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị số chứ không phải đô thị theo kiểu phát triển tự nhiên.
Đây là những đô thị có định hướng phát triển vượt trội so với đô thị bình thường, tính định hướng phải cao để khắc phục tình trạng phát triển theo vết dầu loang, phát triển tự phát, nhà ở có trước hệ thống hạ tầng, không gian thì rộng lớn mà cuộc sống chật hẹp, nghèo nàn và phải phát triển toàn diện trên các khía cạnh từ kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, hạ tầng, kể cả quản trị.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng yêu cầu 5 huyện ngoại thành khoan bàn chuyện lên quận hay thành phố vì sẽ dẫn đến hệ luỵ về giá đất, tâm lý người dân khi phải thay đổi giấy tờ. Trước mắt, ông yêu cầu các địa phương nỗ lực lên đô thị loại 3, song chỉ tiêu hạ tầng xã hội, kỹ thuật phải phấn đấu theo tiêu chí đô thị loại 1.
"Đường phải rộng, công viên phải lớn, trường học phải chuẩn quốc gia, y tế phải chuẩn quốc tế…", ông Hoan nói.
Ngoài ra, đối với phát triển kinh tế, mô hình đô thị này phải xác định công nghiệp, dịch vụ là chủ yếu, còn nông nghiệp cố gắng duy trì ổn định.
Lãnh đạo UBND thành phố cũng nêu định hướng 5 huyện ngoại thành phát triển theo 4 nhóm chức năng: sinh thái - nghỉ dưỡng - dịch vụ (Hóc Môn); sông nước - logistics (Nhà Bè, Cần Giờ); và tổng hợp phức hợp (Củ Chi và Bình Chánh). Trong đó, yêu cầu phát triển chung là: xanh, sạch, số, văn minh, sinh thái và quan trọng nhất là phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng.