May 30, 2021 | 18:30 GMT+7

TP.HCM: Người dân đổ xô gom hàng siêu thị trước thời điểm giãn cách

Minh Tâm -

Trước thông tin TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội 2 tuần từ 0 giờ ngày 31/5, nhiều người dân đổ xô đến siêu thị “gom” thêm thực phẩm, rau củ quả, đẩy nguy cơ lây nhiễm nơi đông người lên cao…

Đông người chờ thanh toán tại Emart Gò Vấp vào chiều 30/5/2021.
Đông người chờ thanh toán tại Emart Gò Vấp vào chiều 30/5/2021.

Kết luận tại cuộc họp khẩn về Covid-19 tại TP.HCM vào sáng ngày 30/5, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã quyết định TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố trong vòng 14 ngày, kể từ 0 giờ ngày 31/5 theo chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo chỉ thị 16.

Ngay  sau khi thông  báo này  được công bố, dòng người đổ xô đến siêu thị mua hàng tích trữ ngày một đông.

ĐỔ XÔ GOM HÀNG SIÊU THỊ

Đẩy xe đầy hàng chờ thanh toán tại siêu thị Citimart (Quận 7), chị N.T.H.N cho biết: Dù biết các siêu thị vẫn hoạt động, nhưng tôi mua hàng để dùng cho cả nhà trong vài ngày tới. Các địa điểm phong tỏa, cách ly ngày càng nhiều; càng ít ra đường càng hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Tương tự, anh L.V.Q (Quận 4) cũng cho rằng, hiện ổ dịch ở khắp nơi, chúng ta ngoài việc tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, cách tốt nhất để TP.HCM dập dịch là người dân hạn chế ra đường. Đây cũng là cách tối ưu để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. "Tôi ủng hộ việc giãn cách của lãnh đạo thành phố. Thế nhưng, theo phong trào, vợ chồng tôi cũng đi "gom" một số mặt hàng thiết yếu để thực hiện giãn cách từ ngày mai", anh L.V.Q nói.

Chen chúc chờ tính tiền tại Emart Gò Vấp.
Chen chúc chờ tính tiền tại Emart Gò Vấp.

Đặc biệt, tại Emart Gò Vấp, rất đông người tụ tập, chen chúc trong siêu thị để gom hàng. Nhiều người mua xong hàng, chờ hơn 1 giờ vẫn chưa đến lượt tính tiền.

Anh M.T.N (Gò Vấp) đã chụp nhiều bức ảnh cận cảnh tại Emart Gò Vấp vào chiều ngày 30/5 và đăng trên mạng xã hội với dòng trạng thái: “Ngay lúc này đừng vào siêu thị nữa, nếu đã lỡ vào rồi thì mua vừa đủ thôi nha các bạn Gò Vấp. Tình hình chỉ là giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Các cửa hàng thiết yếu vẫn mở cửa và chúng ta vẫn được ra ngoài mua hàng khi cần thiết”.

Phía trong siêu thị Emart Gò vấp, tất cả các lối đi giữa các quầy hàng gần như kín người, không còn lối đi.
Phía trong siêu thị Emart Gò vấp, tất cả các lối đi giữa các quầy hàng gần như kín người, không còn lối đi.

Tại một siêu thị Bách Hóa Xanh thuộc loại lớn ở Gò Vấp, hàng hóa cũng được “gom” gần như sạch sẽ. Ngay cả mì gói Việt Nam cũng “cháy hàng” khi được “gom” sạch, chỉ còn ít mì ly và mì gói nhãn hiệu nước ngoài. Nhân viên siêu thị nói lịch sử siêu thị chưa từng có cảnh này.

Không chỉ có các siêu thị nói trên, tại Co.opmart Nguyễn Kiệm, dòng người cũng chật cứng. Nhiều người còn đùa “Co.opmart Nguyễn Kiệm thất thủ. Thấy dòng người chen chúc vậy, tôi tha về ăn mì gói thấy an toàn hơn”.

CẦN XỬ LÝ NGHIÊM VIỆC TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI

Trong khoảng gần hai năm ứng phó với biến động thị trường khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều đơn vị kinh doanh trên địa bàn TP.HCM đã từng bước xây dựng mô hình kinh doanh chủ động phòng, chống dịch và vận hành hiệu quả kênh bán hàng online, đặt hàng qua điện thoại... Vì vậy, khi có đợt dịch bùng phát trên địa bàn thì kịch bản ứng phó và biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ngay lập tức được đơn vị kinh doanh kích hoạt kịp thời tại điểm bán.

Lần này cũng thế. Thực hiện quyết định giãn cách của TP.HCM, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ cũng lên phương án thích ứng kịp thời với tình hình thị trường và chung tay cùng chính quyền, nhân dân thành phố phòng, chống dịch bệnh. 

 
Thực hiện quyết định giãn cách của TP.HCM, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ cũng lên phương án thích ứng kịp thời với tình hình thị trường và chung tay cùng chính quyền, nhân dân thành phố phòng, chống dịch bệnh. 

Trước hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ như thực tế tại một số siêu thị nói trên, nhiều người khác chỉ biết than trời.

Tuy nhiên, không phải tất cả các siêu thị đều thế. Tại một số siêu thị Citimart hay AnNam Gourmet (Quận 7), việc tuân thủ quy tắc phòng, chống dịch thực hiện rất nghiêm túc. Người vào siêu thị ngoài việc đeo khẩu trang, được đo nhiệt độ, khử khuẩn, còn được hướng dẫn chờ nếu trong siêu thị đang có đủ số người quy định. Chỉ khi khách bên trong ra bớt thì khách bên ngoài mới được vào.

Trước thực trạng nhiều người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ, Sở Công thương TP.HCM cho biết các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi... vẫn mở cửa hoạt động bình thường trong thời gian thành phố giãn cách với nguồn hàng dồi dào, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân. Vì vậy, người dân không cần mua hàng hóa, tích trữ dẫn đến hiện tượng chen chúc, không tuân thủ các quy định chống dịch.

Sở đang theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn về cung cầu hàng hóa; Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết.

Chúng ta mua đủ hàng để dùng trong vài ngày, hạn chế ra đường, cũng là hạn chế thấp nhất nguy cơ trở thành F1, F2… Tuy nhiên, việc chen chúc quá đông để mua hàng trong một siêu thị như hình ảnh nêu trên đẩy nguy cơ lây nhiễm lên cao. Nếu trong số này, có người nào đó F0, thì thế nào?

Thiết nghĩ, cơ quan quản lý phải có biện pháp xử phạt nghiêm các đơn vị, siêu thị không chấp hành việc cho tụ tập quá đông người để hạn chế sự lây nhiễm trong cộng đồng.

 

TP.HCM sẽ áp dụng Chỉ thị 15/2020 cho toàn thành phố, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thì phong tỏa theo Chỉ thị 16/2020 trong vòng 15 ngày.

Tuy thực hiện giãn cách, nhưng các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hoá thiết yếu vẫn được hoạt động nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn và các quy định phòng chống dịch bệnh khi hoạt động.

Các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại được yêu cầu lập các chốt kiểm soát y tế, đo thân nhiệt người dân ra vào chợ, siêu thị (kiên quyết không để các trường hợp không đeo khẩu trang vào cơ sở); thực hiện quy định xếp hàng mua hàng, xếp hàng thanh toán... giãn cách 1m và các quy định phòng chống dịch liên quan.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate