October 04, 2023 | 08:00 GMT+7

TP.HCM: Nhiều ngành nghề tiếp tục cắt giảm lao động

Phúc Minh -

Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM cho thấy, tình trạng cắt giảm lao động trên địa bàn vẫn diễn ra ở nhiều ngành nghề, song kỳ vọng thị trường sẽ có sự cải thiện trong những tháng cuối năm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM cho biết, thị trường lao động tại thành phố năm 2023 có nhiều biến động, đáng chú ý tình trạng cắt giảm lao động vẫn diễn ra ở nhiều ngành nghề.

Kết quả khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp và hơn 233.400 lao động đang làm việc của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM mới đây cho thấy, trong 3 tháng gần đây, có hơn 1.200 doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong năm 2023, chiếm 12,73% tổng doanh nghiệp khảo sát.

Các ngành nghề, lĩnh vực cắt giảm nhiều gồm: Bán buôn; xây dựng nhà các loại; hoạt động kinh doanh bất động sản; bán, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động kiến trúc, kiểm tra và phân tích kỹ thuật; hoạt động xây dựng chuyên dụng; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; bán lẻ; vận tải đường sắt, đường bộ và vận tải đường ống; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng…

Việc cắt giảm lao động chủ yếu diễn ra dưới hình thức giảm giờ làm hoặc nghỉ việc luân phiên,  với hơn 800 doanh nghiệp lựa chọn (chiếm gần 62%); có 121 doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương (chiếm 9,34%); 122 doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương (chiếm 9,42%) và 251 doanh nghiệp lựa chọn hình thức cho lao động thôi việc (chiếm 19,38%).

Trong trường hợp nếu doanh nghiệp cho lao động thôi việc thì có khoảng 13,1% doanh nghiệp cho biết sẽ có chính sách hỗ trợ cho người lao động dưới hình thức hỗ trợ chi phí mất việc làm cho người lao động; 1,5% doanh nghiệp cho biết tùy vào khả năng tại thời điểm cắt giảm sẽ cân đối hỗ trợ cho người lao động.

Đáng chú ý, có hơn 85% doanh nghiệp không có chính sách hỗ trợ cho người lao động khi cho lao động thôi việc.

Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, dự báo trong những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thâm dụng lao động.

Nhiều doanh nghiệp tại các khu chế xuất khu công nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết chưa có đơn hàng mới, do vậy, sẽ tiếp tục thỏa thuận với người lao động giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương...

Báo cáo của Tổng cục Thống kê về cũng cho biết, trong bối cảnh tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo thấp hơn so với năm trước, do sức cầu tại các nền kinh tế phát triển đang yếu đi và tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc, các doanh nghiệp và thị trường lao động Việt Nam chịu ảnh hưởng bất lợi từ khó khăn của kinh tế thế giới.

Trong quý 3, TP.HCM có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tương ứng là 3,69%. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất cả nước, tương ứng là 2,87% và 3,08%.

Quý 3 vừa qua, cả nước cũng ghi nhận khoảng 54,2 nghìn lao động phải nghỉ giãn việc tại các doanh nghiệp, chủ yếu là lao động ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 66,3%), tập trung ở ngành da giày với 31,9% và dệt may với 30,9%.

Cùng với Bình Dương, TP. HCM là một trong những địa phương có số lao động mất việc nhiều nhất trong 3 tháng qua, với 34,6 nghìn người do có nhiều lao động thuộc ngành dệt may và da giày.

Tuy nhiên, kinh tế thành phố thời gian qua cũng có những kết quả tích cực, với số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp thành lập mới tăng lên sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư công, xuất khẩu được đẩy mạnh. Thời điểm cuối năm các doanh nghiệp cũng tăng cường sản xuất, kinh doanh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ, Tết sẽ góp phần làm cho thị trường lao động ấm dần lên trong những tháng cuối năm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate