Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng qua, lực lượng lao động và số người có việc làm đều tăng, song đánh giá chung của các đơn vị thì thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức trong thời gian tới khi tình trạng lao động mất việc, phải nghỉ giãn việc vẫn tiếp diễn.
LAO ĐỘNG CÓ VIỆC LÀM TĂNG
Tổng cục Thống kê ghi nhận trong 9 tháng năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 760 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 776 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn chung, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa cải thiện về chất lượng khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tính chung 9 tháng qua, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm gần 65%, và chỉ giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho rằng trong bối cảnh kinh tế - xã hội thời gian qua có nhiều khó khăn, song thị trường lao động nhìn chung tương đối ổn định, các chỉ số thị trường lao động vẫn có sự tăng trưởng nhẹ, điều này thể hiện ở cung và cầu lao động đều tăng, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm không có nhiều biến động.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2023 là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,73%; khu vực nông thôn là 2%.
Riêng trong quý 3/2023, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất cả nước, tương ứng là 2,87% và 3,08%. Đáng chú ý, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng buộc phải cho lao động nghỉ giãn việc vẫn tiếp diễn.
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý 3 năm nay khoảng 54,2 nghìn người, giảm 187,3 nghìn người so với quý trước, chủ yếu là lao động ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 66,3%), tập trung ở ngành da giày với 31,9% và dệt may với 30,9%.
Số lao động bị mất việc trong quý 3 là 118,4 nghìn người, giảm 99,4 nghìn người so với quý trước. Trong đó, tập trung chủ yếu ở Bình Dương là 33,6 nghìn người và TP. HCM là 34,6 nghìn người, do các địa phương này có nhiều lao động thuộc ngành dệt may và da giày.
Từ những quan sát và qua các dữ liệu của thị trường lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, về tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì đà phục hồi nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập và hạn chế. Lao động có việc làm dù có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn.
Đặc biệt trong bối cảnh sức cầu của các thị trường đối với các mặt hàng chính của Việt Nam suy giảm, khiến các doanh nghiệp thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến nguy cơ làm gia tăng số lao động bị mất việc, giảm giờ làm.
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LAO ĐỘNG CÀNG CỤ THỂ CÀNG HIỆU QUẢ
Trong bối cảnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động.
Trong đó, tập trung vào các chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm như trợ cấp thất nghiệp cho người lao động mất việc; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp…
Các địa phương cũng tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt các phiên giao dịch việc làm chuyên đề theo từng loại lao động, cụm doanh nghiệp để nhanh chóng kết nối việc làm cho người lao động.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), lưu ý rằng nền kinh tế diễn biến gặp nhiều khó khăn dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đến phục hồi thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động cần cụ thể vào từng đối tượng thì càng hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông, vấn đề đặt ra là nếu một chính sách có nhiều đối tượng mà chi tiết quá thì khó cho quá trình xây dựng, hoạch định. Vì vậy, bên cạnh chính sách chung, tổng thể cho người lao động, thì vẫn cần có chính sách đặc thù cho từng đối tượng.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết số lượng lao động bị mất việc do doanh nghiệp cắt giảm không quá nhiều, với nhóm lao động có tuổi cao, trình độ thấp, đơn vị đã tiếp cận để hỗ trợ họ kịp thời ngay từ khi doanh nghiệp thông báo cắt giảm.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, tích cực giải ngân vốn đầu tư, ổn định hoạt động doanh nghiệp, đã góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập của người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn.
9 tháng qua, TP. Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 171.000 lao động, trong đó có 34.644 lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 1.700 tỷ đồng.
Số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm là hơn 13.400 lao động. Cùng với đó, có hơn 3.000 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Số lao động được cung ứng giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là hơn 120.000 lao động.
Trong 9 tháng năm 2023, thành phố đã ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 65.575 người, với số tiền hỗ trợ hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ học nghề cho 663 người bị mất việc làm với số tiền gần 3 tỷ đồng.