Chiều 6/7, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tổ chức hội nghị về phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025. Tại hội nghị, Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Sở Du lịch TP.HCM, các doanh nghiệp... đã cùng nhau đóng góp ý kiến, kế hoạch phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch đường thủy kết hợp vận tải hành khách trong thời gian tới.
MỞ THÊM 5 TUYẾN TÀU THUỶ KẾT HỢP DU LỊCH
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Đặng Quá Hải, Phó phòng Quản lý đường thủy, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết TP.HCM có mạng lưới giao thông đường thủy có khả năng khai thác gồm 101 tuyến, với tổng chiều dài là 913km. Đặc biệt lợi thế với 4 tuyến đường sông chính tạo thành mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến nay, hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy ở TP.HCM đã khai thác tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), tuyến du lịch từ Bạch Đằng - bến Đình (huyện Củ Chi) - tỉnh Bình Dương, 2 bến phà, 25 bến khách ngang sông... Các tàu khách quốc tế có thể vào ngay trung tâm TP.HCM tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, bến Bạch Đằng mà không phải trung chuyển, tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy.
Về cảng, bến thủy nội địa và các công trình phụ trợ trên bờ hiện đang hoạt động có 13 cảng thủy nội địa, 204 bến thủy nội địa. Trong đó, có 105 cảng, bến phục vụ vận tải hàng hóa, 74 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch và 25 bến khách ngang sông.
Do mạng lưới có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm, TP.HCM rất thuận lợi trong việc vận tải hành khách, kết hợp khách du lịch; trung tâm thành phố tập trung nhiều địa điểm tham quan du lịch bằng đường thủy kết nối đường bộ; có nhiều loại phương tiện thủy đang hoạt động; nhiều doanh nghiệp lữ hành mong muốn phát triển du lịch đường thủy.
Hiện nay, hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố đã hình thành 4 loại hình, gồm vận tải hành khách du lịch bằng tàu cao tốc theo tuyến cố định; du lịch theo hợp đồng chuyến; vận tải hành khách ngang sông và vận tải khách du lịch bằng đường biển.
Với những thuận lợi đó, sắp tới TP.HCM sẽ mở thêm ba tuyến vận tải hành khách đường thuỷ kết hợp du lịch đi Bình Dương, Côn Đảo và Tiền Giang trước năm 2025. Việc khai thác thêm các tuyến đường thuỷ này được cho góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại người dân, phát triển du lịch, chia bớt áp lực cho giao thông đường bộ.
Theo đó, hai tuyến ở nội đô dự kiến được đầu tư hoàn thành năm 2024, gồm: quận 1 đi quận 7 và Nhà Bè, dài khoảng 13 km. Tuyến dự kiến từ bến Bạch Đằng, theo sông Sài Gòn - kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - rạch Đỉa đến bến Ngôi Sao Việt. Trên tuyến hiện các bến Ngôi Sao Việt (quận 7) và Cù Lao Xanh (Nhà Bè) đã được đầu tư xây dựng. Khi hoạt động, tuyến sẽ kết hợp tham quan các điểm du lịch, trung tâm thương mại, khu ẩm thực... Tuyến khác ở nội thành kết nối bến Bạch Đằng đi Thanh Đa, Bình Quới, dài 10 km. Tuyến này cũng có lợi thế khi có một số vị trí bến đã được xây dựng, đảm bảo an toàn, mỹ quan.
Ngoài hai tuyến trên, thành phố lên kế hoạch mở thêm ba tuyến liên tỉnh. Trong đó, tuyến đi Bình Dương, Củ Chi sẽ theo sông Sài Gòn chiều dài khoảng 79 km. Tuyến này kết nối từ bến Bạch Đằng đến TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), bến Đình, bến Dược (huyện Củ Chi, TP CM). Trên tuyến ngoài một số bến bãi đã được xây dựng, các bên liên quan sẽ đầu tư thêm hạ tầng đồng bộ, dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 2024 - 2025.
Tuyến giao thông thuỷ kết hợp du lịch từ TP HCM đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) có chiều dài khoảng 225 km, theo sông Soài Rạp, vịnh Đồng Tranh và Biển Đông. Tuyến này dự kiến xuất phát từ cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (Nhà Bè) đến bến cảng tàu khách Côn Đảo tại Vịnh Côn Sơn, huyện Côn Đảo. Hiện, tuyến này đã có một doanh nghiệp đăng ký khai thác với tàu có sức chở khoảng 1.100 khách.
Tuyến còn lại là phà biển Cần Giờ chạy qua huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, dài khoảng 12 km. Điểm đầu tuyến ở từ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ đi thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông và ngược lại. Tuyến này dự kiến đầu tư hoàn thành năm 2024.
MỤC TIÊU CỦA THÀNH PHỐ
Theo Cổng thông tin Thành ủy TP.HCM, để phát triển du lịch toàn tuyến, phấn đấu đến năm 2025 du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các sở, các quận huyện và thành phố Thủ Đức triển khai các nội dung tại hội nghị chuyên đề về phát triển vận tải hành khách, kết hợp du lịch bằng đường thủy trên địa bàn thành phố.
Phấn đấu doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đạt 300 tỉ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Số lượng khách quốc tế đến bằng đường tàu biển trong năm 2023 và 2024 đạt khoảng 100.000 lượt khách, doanh thu đạt 500 tỉ đồng/năm.
Trước đó, trong chuyến làm việc tại Pháp, Đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn vừa đi khảo sát, tìm hiểu về quy hoạch phát triển sông Seine. Trong gần 4 tiếng khảo sát thực tế, Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng các thành viên trong đoàn đã trao đổi, tham khảo về kinh nghiệm quy hoạch, phát triển về kinh nghiệm quy hoạch, phát triển sông Seine, trong đó có cả kinh nghiệm giúp dòng nước kênh không bị ô nhiễm, không bị xả rác…
Ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ, việc đoàn được các chuyên gia có thâm niên trong ngành chia sẻ, giới thiệu về kinh nghiệm quy hoạch phát triển sông Seine là cơ hội rất tốt để lãnh đạo thành phố tìm hiểu và chia sẻ sâu, qua đó tìm hiểu thêm về giải pháp phát triển TP.HCM trong thời gian tới.
Ở góc độ doanh nghiệp, sau nhiều năm khai thác du lịch tàu biển và có sản phẩm du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ông Phan Xuân Anh, Tổng Giám đốc Công ty Du ngoạn Việt, nhận định du lịch đường sông của TP.HCM độc đáo, khác biệt. Hiếm có bến sông nào nằm ngay vị trí trung tâm thành phố như khu vực Bến Bạch Đằng hay dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xuyên qua khu vực trung tâm.
“Với đường sông, TP.HCM là trung tâm trung chuyển để khách quốc tế sẽ đi tiếp về các tỉnh ĐBSCL rồi tới Campuchia, Thái Lan... Tuy nhiên, du lịch đường sông đang thiếu sự quy hoạch bài bản và đồng bộ nên chưa thật sự được khai thác hết tiềm năng", ông Phan Xuân Anh nói.
Là một trong những đơn vị đầu tư lớn trong ngành giao thông vận tải đường thuỷ, Công ty Công nghệ Xanh DP đã vận hành 9 tuyến giao thông vận tải từ đất liền ra đảo. Tuy nhiên, ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty này cho rằng hiện có một số khó khăn trong việc phát triển giao thông vận tải đường thuỷ kết hợp với phát triển du lịch. “Ví dụ như tuyến nội đô có nhưng đoạn sông kênh rạch còn bị ô nhiễm bởi rác thải ảnh hưởng đến tổ chức chương trình du lịch trên sông, hay tĩnh không của cầu đường sắt Bình Lợi còn thấp...” ông Hải nhận định.
Đồng thời, theo các doanh nghiệp, nếu so với một số quốc gia có sản phẩm du lịch đường sông phát triển mạnh như Pháp, Trung Quốc hay Thái Lan, có thể nhận thấy TP.HCM chưa đầu tư về cảnh quan hai bên bờ sông, thiếu vắng các tòa kiến trúc đẹp, các điểm vui chơi giải trí hấp dẫn... Để du lịch đường sông TP.HCM phát triển, ngành du lịch cần phải đầu tư một cách chiến lược, bài bản, lâu dài và có tầm nhìn xa.