Nguồn cung xăng dầu cho thị trường TP.HCM đang được tăng cường liên tục và tình trạng đổ xô chen lấn mua xăng đã giảm nhiều.
Tại buổi họp báo chiều 12/10/2022, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết đến 12h trưa nay, nhu cầu tiêu thụ xăng của người dân đã giảm, tình trạng đổ xô đi mua không còn. Sở Công Thương rất lấy làm tiếc vì những bất tiện, khó khăn mà người dân thành phố đã phải gánh chịu trong thời gian qua. Với trách nhiệm quản lý địa phương, Sở đã hỗ trợ các doanh nghiệp chủ lực như Petrolimex, PV Oli, Xăng dầu quân đội, Sài Gòn Petro... vận chuyển xăng từ kho về các cửa hàng bán lẻ 24/24h để tạo nguồn hàng phục vụ người dân.
Hiện đang có khoảng hơn chục cửa hàng bán xăng dầu xin điều chỉnh giờ bán từ 6h sáng đến 18h chiều. Có 3 doanh nghiệp xin ngưng bán, cùng với trước đó đã có 3 doanh nghiệp đã ngưng. “Đối với 3 doanh nghiệp xin ngưng bán và các doanh nghiệp xin điều chỉnh giờ bán thì chúng tôi đang xử lý. Theo Nghị định 95, khi cơ quan quản lý địa phương chưa có văn bản đồng ý, thì cửa hàng đó phải mở cửa bán”, ông Vũ nhấn mạnh.
TP.HCM hiện có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 60 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý; 29 đại lý bán lẻ; 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Về phía đơn vị cung ứng xăng dầu, ông Đào Văn Hùng, Phó giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực 2 (Petrolimex Sài Gòn), cho biết số cửa hàng thuộc sở hữu và nhượng quyền của doanh nghiệp chiếm khoảng 20% trong tổng số 550 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn. Hệ thống đang cung ứng đến 40% sản lượng xăng cho toàn thành phố.
Bình quân 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng bán lẻ xăng dầu các loại tại hệ thống Petrolimex Saigon khoảng 1.500m3/ngày. Một số cửa hàng của các đơn vị kinh doanh khác tạm ngưng đóng cửa bán đã tăng áp lực tạm thời lên hệ thống của Petrolimex Saigon. Do đó, ngày 09/10/2022, đơn vị bán ra khoảng 1.860m3/ngày, nhưng đến ngày 10/10/2022, sản lượng bán ra tăng lên hơn 3.170m3/ngày, gấp hơn 200% ngày bình thường. Với lượng tăng đột biến như vậy, khách hàng dồn về các cửa hàng của Petrolimex Saigon gây ùn tắc.
Tuy nhiên, từ 15h chiều 11/10/2022 sau khi điều chỉnh giá xăng tăng thì áp lực đã giảm dù đến 18h tối qua người mua vẫn tăng. Đến 12h ngày 12/10/2022, áp lực lên các cửa hàng của Petrolimex Saigon đã giảm 30%, nhưng sản lượng xăng mà Petrolimex Saigon “bơm” ra vẫn tăng 135% so với bình quân 8 tháng đầu năm nay.
Petrolimex Saigon sẽ nâng nguồn cung cho thị trường TP.HCM lên 400.000m3. Trong đó, kho tại Nhà Bè đang dự trữ 300.000m3, 4 ngày tiếp theo sẽ nhập thêm 100.000m3, đảm bảo nguồn cung đến hết tháng 10/2022.
"Với tình hình điều chỉnh giá và điều hành của cơ quan chức năng, thì 1-2 ngày tới tình hình xăng dầu sẽ trở lại hoạt động bình thường", ông Đào Văn Hùng dự báo.
Về phía đơn vị quản lý thị trường, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM, thông tin tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM đã dần dịu lại sau khi Liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu.
"Qua kênh kiểm tra chính thức, chúng tôi xác định đến nay chưa phát hiện tình trạng chủ tâm găm hàng, lợi dụng giữ hàng lại để bán tăng giá, thu lợi bất chính trên địa bàn TP.HCM. Tại những cây xăng đóng cửa, khi kiểm tra đo bồn, quả thực họ hết hàng", ông Đạt nói.
Trong 3 ngày qua, ngày 10, 11 và 12/10/2022, số cửa hàng nhập xăng dầu về và phục hồi kinh doanh là 68% so với tổng số 137 cửa hàng đã đóng cửa trước đó.