Sở Du lịch TP.HCM vừa công bố kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy năm 2025, đặt mục tiêu bổ sung từ 5 đến 10 sản phẩm du lịch mới, tăng lượng khách du lịch đường thủy từ 10% đến 15% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường tại các tuyến điểm du lịch.
Theo đó, TP.HCM sẽ triển khai hơn 10 phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ du khách và tổ chức các đoàn khảo sát để xây dựng các tuyến du lịch theo chủ đề mới, kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Các tuyến du lịch đường thủy tầm trung được chú trọng, cụ thể: Tuyến từ bến tàu Ngôi Sao Việt (Quận 7) đến huyện Cần Giờ, liên tuyến Bà Rịa - Vũng Tàu, gắn với du lịch biển; Tuyến từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đến Cần Giờ và Củ Chi, tập trung vào du lịch sinh thái và trải nghiệm thể thao dưới nước; Tuyến từ bến Phước Khánh (Nhà Bè) hoặc bến Bạch Đằng đến Cần Giờ, liên tuyến Cần Giuộc (Long An) và Gò Công Đông (Tiền Giang), kết hợp du lịch sinh thái và thể thao dưới nước; Tuyến từ bến Ngôi Sao Việt đến Nhơn Trạch (Đồng Nai), có thể kết nối Bình Dương (Cù lao Thạnh Hội, Cù lao Bạch Đằng, hồ Trị An), gắn với du lịch văn hóa tín ngưỡng, sinh thái, thể thao dưới nước và golf…
Một số tuyến du lịch đường thủy tầm xa được triển khai, như nâng cấp tuyến TP.HCM - Bình Dương - Tây Ninh, TP.HCM - Long An với trọng tâm du lịch văn hóa, sinh thái và golf. Đồng thời, tuyến TP.HCM - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau (giai đoạn 2) cũng sẽ được đẩy mạnh.
Ngoài ra, theo Sở Du lịch TP.HCM, kế hoạch sẽ phát triển du lịch đường thủy gắn với phà biển Cần Giờ - Vàm Láng (Gò Công Đông, Tiền Giang) và các tuyến tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng hoặc cảng Sài Gòn đến Mỹ Tho (Tiền Giang), Vĩnh Xương (An Giang) liên tuyến Phnom Penh (Campuchia), Bến Tre, và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đây là kế hoạch nhằm khai thác tiềm năng du lịch đường thủy, quảng bá văn hóa, sinh thái và thể thao, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia kinh doanh, góp phần nâng cao vị thế du lịch TP.HCM trong khu vực.

Những năm gần đây, TP.HCM tích cực phát triển du lịch đường thủy như một hướng đi chiến lược nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và phát huy lợi thế sông nước đặc trưng. Với mạng lưới đường thủy dài 913 km cùng khoảng 135 điểm tài nguyên du lịch ven sông, kênh rạch, Thành phố đang từng bước xây dựng các sản phẩm gắn với trải nghiệm văn hóa, lịch sử, ẩm thực đặc sắc.
Năm 2023, lần đầu tiên TP.HCM tổ chức Lễ hội Sông nước, đánh dấu bước ngoặt trong việc khai thác du lịch đường thủy. Theo ghi nhận của Sở Du lịch TP.HCM, trong 3 ngày diễn ra lễ hội đã thu hút hơn 51.000 lượt khách tham quan, tạo ra hiệu ứng tích cực khi lượng khách sử dụng dịch vụ đường thủy tăng 25 – 40% sau sự kiện.
Từ thành công ban đầu, Thành phố quyết định đưa Lễ hội Sông nước trở thành hoạt động thường niên. Mùa hè năm 2024, lễ hội quay trở lại với quy mô lớn hơn, thời gian kéo dài và nội dung phong phú hơn. Chuỗi hoạt động bao gồm các lĩnh vực như văn hóa, nghệ thuật, giải trí, thể thao dưới nước, ẩm thực, mua sắm... diễn ra tại nhiều điểm trên toàn địa bàn TP.HCM. Đặc biệt, chương trình sân khấu hóa “Chuyến tàu huyền thoại” tái hiện lịch sử dòng sông Sài Gòn với sự tham gia của hơn 1.000 diễn viên đã trở thành điểm nhấn thu hút sự chú ý lớn từ công chúng.
Lễ hội năm 2024 ghi nhận hơn 4,5 triệu lượt người dân và du khách tham gia, tương tác trực tiếp. Trong thời gian diễn ra lễ hội, TP.HCM đón 1,3 triệu lượt khách du lịch, gồm 121.000 lượt khách quốc tế và 1,18 triệu lượt khách nội địa. Các chỉ số du lịch đều tăng trưởng mạnh như công suất phòng bình quân tăng rõ rệt, lượng khách tham gia dịch vụ đường thủy bao gồm du lịch, ẩm thực, vận chuyển tăng hơn 20% so với thường lệ. Tổng doanh thu từ du lịch và các dịch vụ liên quan đạt 4.250 tỷ đồng.
Lễ hội Sông nước không chỉ trở thành điểm hẹn mùa hè của người dân và du khách, mà còn là một “bệ phóng” để TP.HCM định vị du lịch đường thủy là sản phẩm chủ lực, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố trẻ trung, năng động nhưng vẫn giàu bản sắc văn hóa sông nước Nam Bộ.