August 07, 2024 | 15:33 GMT+7

TP.HCM sẽ cấp chữ ký số miễn phí đến hết ngày 31/7/2025

Thi Nguyễn -

Người dân TP.HCM sẽ được miễn phí đăng ký chữ ký số tại bộ phận một cửa ở các sở, ngành, địa phương, đến hết 31/7/2025…

Người dân TP.HCM sẽ được miễn phí đăng ký chữ ký số thêm 1 năm - Ảnh minh họa.
Người dân TP.HCM sẽ được miễn phí đăng ký chữ ký số thêm 1 năm - Ảnh minh họa.

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương và công ty công nghệ về việc tiếp tục triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân trên địa bàn Thành phố. 

Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức buổi họp với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (VNPT TP.HCM, Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Công ty Cổ phần MISA, Công ty Cổ phần BKAV, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hệ thống thông tin FPT, Công ty Cổ phần Công nghệ Thẻ Nacencomm).

Theo đó, những đơn vị này sẽ cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân từ nay đến hết ngày 31/7/2025 (riêng Tổng Công ty Viễn thông Viettel đến hết ngày 31/12/2024).

Đối với dịch vụ cấp mới chữ ký số, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng nói trên sẽ cấp miễn phí cho người dân.

Với dịch vụ gia hạn chữ ký số đã cấp, Công ty Cổ phần MISA, Công ty Cổ phần BKAV, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hệ thống thông tin FPT, Công ty Cổ phần Công nghệ Thẻ Nacencomm sẽ gia hạn miễn phí cho người dân. Còn đối với VNPT TP.HCM, Tổng Công ty Viễn thông Viettel sẽ thu phí.

Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục tuyên truyền chương trình cấp chữ ký số miễn phí đến người dân. Đồng thời, bố trí vị trí tại bộ phận một cửa để tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho người dân.

Bên cạnh đó, chủ động lựa chọn các chương trình hỗ trợ phù hợp và liên hệ với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng để triển khai cho người dân. Định kỳ hàng quý, báo cáo tình hình cấp chữ ký số miễn phí cho người dân về Sở Thông tin và Truyền thông.

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh năm 2023, Ủy ban nhân dân TP.HCM chỉ đạo phải đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ cung cấp dưới dạng trực tuyến. Để vận hành được dịch vụ công trực tuyến, việc số hóa và ứng dụng chữ ký số để pháp lý hóa hồ sơ số của người dân, kết quả xử lý thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước là yêu cầu bắt buộc.

Hiện, TP.HCM đã cấp chữ ký số cho 2 nhóm đối tượng là cơ quan nhà nước và người dân. Cụ thể, đã cấp và ứng dụng chữ ký số của tổ chức cho hầu hết cơ quan Nhà nước trên địa bàn, phục vụ hệ thống thông tin văn bản của thành phố với 1.140 đơn vị liên thông. Đã cấp 11.160 chữ ký số cho tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức.

Điều này giúp sẵn sàng thực hiện quy trình số hóa và ứng dụng chữ ký số của cán bộ, công chức cho hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện cung cấp dịch vụ công toàn trình.

Đối với công dân của TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) triển khai giải pháp tích hợp chữ ký số cho người dân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố. Đồng thời cũng sẽ phối hợp với Trung tâm chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai thực hiện cấp chữ ký số cho người dân, nhằm tạo điều kiện để người dân dễ tiếp cận tham gia sử dụng dịch vụ trực tuyến hơn.

 

Từ ngày 5/6/2023, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã phối hợp Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn. Với việc áp dụng chữ ký số, người dân trên địa bàn sẽ được rút ngắn thời gian, công sức trong việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính.

Ưu điểm của chữ ký số là mang lại sự nhanh gọn trong giải quyết thủ tục, không cần thực hiện ký tay. Từ đó, việc ứng dụng chữ ký số sẽ giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí vận hành, di chuyển. Trong trường hợp ký kết hợp đồng, các bên liên quan cũng không cần gặp gỡ, giảm thiểu trở ngại về khoảng cách địa lý.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate