Tại cuộc họp thông tin về tiến độ dự án, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, cho biết rạch Xuyên Tâm chảy qua nội đô thành phố sẽ được cải tạo từ tháng 8/2024, hoàn thành sau 4 năm nhằm giảm ô nhiễm, tạo diện mạo mới cho khu vực.
Rạch Xuyên Tâm dài gần 9 km, chảy qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp, là một trong tuyến rạch ô nhiễm bậc nhất TP.HCM. Sau hơn 20 năm ấp ủ kế hoạch triển khai, công trình nạo vét, cải tạo và xây dựng hạ tầng cho tuyến rạch hiện được thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng từ vốn ngân sách, thực hiện trong giai đoạn 2023 -2028.
Dự án gồm tuyến rạch chính dài gần 6,7 km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật và ba nhánh dài hơn 2,2 km (nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi). Lòng rạch Xuyên Tâm sẽ được nạo vét sâu 3,5 m, rộng 20 - 30 m cùng hệ thống thu gom nước thải, nước mưa đồng bộ. Hai bên bờ sẽ được xây dựng đường, mỗi bên hai làn xe rộng 6 m, vỉa hè 3 - 4 m, cùng công viên, mảng xanh; hệ thống chiếu sáng...
Phía đầu rạch Lăng sẽ kết nối vào hệ thống cống của dự án Tham Lương - Bến Cát, dẫn về nhà máy xử lý nước thải An Phú Đông, quận 12. Phía đầu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè kết nối vào hệ thống cống của dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dẫn về nhà máy xử lý nước thải tại phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức.
Dự án cải tạo thoát nước và môi trường rạch Xuyên Tâm khi hoàn thành sẽ đảm bảo mục tiêu thoát nước chống ngập cho khu vực. Đồng thời kết nối giao thông cục bộ và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến, nước thải sẽ được thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Theo ông Dũng, trong hai địa phương tuyến rạch đi qua, phần qua quận Gò Vấp dự kiến khởi công trước vào tháng 8/2024, bởi khối lượng công việc ít hơn so với đoạn qua Bình Thạnh.
Tại quận Gò Vấp, tổng diện tích đất thu hồi làm dự án hơn 19.500 m2 với khoảng 84 hộ, tổ chức bị ảnh hưởng. Địa phương đã chuẩn bị căn hộ tái định cư cho những trường hợp bị giải tỏa trắng tại chung cư Khang Gia, phường 14; việc thi công đoạn rạch qua quận này dự kiến hoàn thành tháng 5/2025.
Theo kế hoạch, quận Bình Thạnh sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng vào tháng 4/2025 để chủ đầu tư khởi công các gói thầu xây lắp đoạn qua địa phương này. Việc thi công sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2028.
Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng ở phía Bình Thạnh được đánh giá sẽ gặp khó khăn bởi có tới gần 1.800 hộ, tổ chức bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 1.107 trường hợp bị giải tỏa trắng, song địa phương mới dự kiến bố trí được 300 nền đất và căn hộ tái định cư, còn thiếu 807 căn.
Để giải quyết vấn đề trên, ông Dũng cho biết thành phố sẽ xây khu tái định cư tại khu đất số 4 Phan Chu Trinh (phường 12), diện tích hơn 12 ha, quy mô 850 căn. Dự kiến, phương án sẽ trình Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 11 tới.
Bên cạnh đó, phương án tạm cư cũng được tính đến nhằm đảm bảo nơi ở ngắn hạn cho người dân. Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố đang trình Hội đồng nhân dân cơ chế tính chi phí tạm cư tại các dự án chưa kịp chuẩn bị nơi ở mới, nhằm làm cơ sở chung để triển khai cho các công trình. Trường hợp Hội đồng nhân dân TP.HCM chưa thông qua, Sở Tài chính sẽ có hướng dẫn để quận, huyện triển khai đồng bộ.
Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm trước đây được TP.HCM dự tính đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Sau đó, hình thức này bị đánh giá không khả thi nên chưa thực hiện. Tháng 8/2019, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM thống nhất chủ trương đầu tư dự án bằng ngân sách. Sau 4 năm, tại kỳ họp Hồi đồng nhân dân thành phố tháng 12 năm ngoái, cơ quan dân cử đã thông qua chủ trương đầu tư dự án này.