Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam vừa ký Quyết định số 4211/QĐ-CĐBVN về việc kiểm tra công tác quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM
Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiến hành kiểm tra công tác quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, với thời kỳ kiểm tra từ ngày 1/1/2023 đến thời điểm kiểm tra. Thời gian kiểm tra dự kiến từ 3 - 5 ngày làm việc, kể từ ngày công bố Quyết định.
Đoàn kiểm tra gồm 5 thành viên do ông Đặng Văn Ngạn, Phó Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục Đường bộ Việt Nam, làm Trưởng đoàn.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đoàn sẽ kiến nghị biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế; đề xuất các biện pháp xử lý sai phạm (trong trường hợp phát hiện ra).
Các nội dung kiểm tra gồm chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới; văn bản số 8111/BGTVT-VT ngày 11/8/2023 của Bộ Giao thông Vận tải về tăng cường kiểm tra, xử lý "xe dù, bến cóc," "xe trá hình tuyến cố định" trên địa bàn; công tác cấp phép kinh doanh vận tải bằng ôtô; danh mục mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt, danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh; vị trí các điểm dừng đón, trả khách cho vận tải hành khách trên tuyến cố định trên mạng lưới đường bộ thuộc địa bàn địa phương; việc quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trên địa bàn địa phương...
Đồng thời, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tổ chức quản lý hoạt động vận tải qua thiết bị giám sát hành trình và dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ôtô, bao gồm việc kiểm tra, cập nhật, đối chiếu thông tin đảm bảo tính chính xác các dữ liệu của các đơn vị kinh doanh vận tải trên hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam; thực hiện công tác quản lý, theo dõi, sử dụng và xử lý vi phạm thông qua dữ liệu truyền về từ thiết bị giám sát hành trình và dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ôtô (số liệu xử lý qua thiết bị giám sát hành trình).
Bên cạnh đó, vừa qua Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cũng đã có thông báo sẽ kéo dài đợt tổng kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải đến hết ngày 30/11, thêm một tháng rưỡi so với kế hoạch.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, nguyên nhân là việc kéo dài kiểm soát do hai tháng qua tình hình vi phạm của ôtô kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa diễn ra phổ biến, để xảy ra một số vụ tai nạn làm nhiều người chết.
Trước đó từ ngày 15/8 đến 15/10, Bộ Công an tổ chức tổng kiểm soát phương tiện kinh doanh trên cả nước. Các vi phạm được tập trung xử lý gồm: Điều kiện của tài xế; nồng độ cồn, ma túy; xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, quá khổ, quá tải; tốc độ; lấn đường; chạy vào làn khẩn cấp của cao tốc; chở quá sổ người; dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định...
Kết quả sau hai tháng, công an cả nước xử lý gần 66.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 80 tỷ đồng. Gần 5.500 tài xế bị tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, gần 600 phương tiện bị tạm giữ.
Riêng với ôtô chở khách, cảnh sát đã xử lý hơn 48.000 trường hợp, phạt tiền hơn 50 tỷ đồng, tước hơn 3.600 giấy phép lái xe, tạm giữ 340 phương tiện. Trong các vi phạm, lỗi về tốc độ chiếm nhiều nhất với hơn 3.400 trường hợp, tiếp theo là chở quá số người quy định hơn 1.300.
Sau các đợt kiểm tra, TP.HCM dẫn đầu về kết quả xử lý với gần 6.000 trường hợp, Hà Nội, Nghệ An mỗi nơi hơn 3.600.