Hàn Quốc hiện là một trong những đối tác thương mại lớn của TP.HCM, đứng thứ 4/120 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn thành phố.
ĐẦU TƯ HƠN 5,5 TỶ USD VÀO TP.HCM
Quan hệ giữa TP.HCM và Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch.
Trong năm qua, có 125 dự án đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư Hàn Quốc vào thành phố với tổng vốn đầu tư hơn 60,6 triệu USD, chiếm hơn 10% so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM. Lũy kế đến nay, Hàn Quốc đã có 2.135 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD, chiếm 9,6% so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM.
Doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư nhiều vào các lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ và thông tin và truyền thông… 4 lĩnh vực này chiếm trên 75% số lượng dự án đầu tư của Hàn Quốc vào thành phố, nhưng về số vốn đăng ký thì 3 ngành là xây dựng, kinh doanh bất động sản và công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trên 76% tổng vốn đầu tư.
Tại hội nghị “Đối thoại giữa chính quyền TP.HCM và doanh nghiệp Hàn Quốc” diễn ra chiều 16/8/2023, ông Choi Bun Do, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam Việt Nam (KOCHAM), cho biết UBND TP.HCM đã tháo gỡ cho 13 trường hợp trong tổng số 21 đề xuất vướng mắc của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong năm 2022, đặc biệt là phương án xử lý kịp thời vấn đề thu phí hạ tầng cảng biển.
Hiện nay, phía doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp phải 15 vướng mắc trong năm 2023, mong muốn TP.HCM kịp thời tháo gỡ. Trong đó, một số công ty Hàn Quốc tại TP.HCM gặp khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Chẳng hạn, Công ty TNHH Jungwoo Vina đang đối mặt với các khó khăn phát sinh trong việc thông quan hải quan do liên quan đến kế hoạch sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ. Ngoài ra, việc thay đổi quy định về hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ phát sinh thêm các chi phí không cần thiết như chi phí thuê kho ngoại quan, vận chuyển hai lần…
Đề cập đến những vướng mắc đang gặp phải, ông Cho Sung Yol, Tổng giám đốc Công ty GS E&C tại Việt Nam, cho biết doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thẩm định lại giá đất dự án khu đô thị mới Nhà Bè Metrocity GS. Vì trước đó, công ty đã ứng trước chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và được cấn trừ vào nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án này. Đến nay, các cơ quan trực thuộc thành phố thẩm định lại giá đất của dự án. Do đó, doanh nghiệp đề nghị UBND TP.HCM sớm hoàn tất việc thẩm định lại giá đất, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn tất nghĩa vụ tài chính.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang bị chậm quyết toán chi phí xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.
Công ty GS E&C mong muốn TP.HCM sớm tháo gỡ những vướng mắc và khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, giấy phép để nhà đầu tư có thể thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai các dự án đầu tư khu đô thị mới, phát triển cơ sở hạ tầng.
SẼ GIẢI QUYẾT TRONG NĂM NAY
Lắng nghe các ý kiến từ phía doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố luôn nỗ lực trong tạo môi trường đầu tư, mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng, hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả.
Đây không chỉ là thành công của các doanh nghiệp, là thành công của TP.HCM, mà đó chính là động lực để thành phố không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình này cũng phát sinh nhiều vấn đề, một số vướng mắc còn kéo dài. Việc thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để giải quyết trong thời gian qua thành phố làm rất tốt.
Trả lời trường hợp của Công ty GS E&C, ông Mãi cho rằng có những vấn đề chuyển tiếp từ trước. Việc vướng trong thẩm định giá, đây là vấn đề khó, chưa có kết quả cuối cùng. Khi thành lập tổ thẩm định giá nên có nhà đầu tư cùng tham gia góp ý.
Còn đối với việc thanh toán đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, gần đây Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra nhiều dự án, trong đó có dự án này. TP.HCM đã làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính để có định hướng giải quyết cho doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch UBDN TP.HCM, thành phố rất mong muốn được lắng nghe ý kiến các nhà đầu tư để có sự chuẩn bị và sẽ cùng nhà đầu tư Hàn Quốc ngồi lại với nhau ở thời gian thích hợp để xúc tiến.
“Với tinh thần này, chúng tôi giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) làm đầu mối tiếp nhận các ý kiến và phối hợp với sở ngành dưới sự chỉ đạo của Thường trực UBND thành phố. Cuối tháng 8 tổng hợp và từng vấn đề cụ thể sẽ do ai giải quyết, giải quyết thế nào…Phấn đấu trong năm nay thành phố sẽ giải quyết được các vấn đề tồn đọng này”, ông Mãi nói