Trong chương trình trực tuyến “Dân hỏi - Thành phố trả lời” đêm 13/9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã giải đáp các thắc mắc của người dân về kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế của Thành phố sau ngày 15/9.
Theo đó, UBND TP.HCM tiếp tục kéo dài áp dụng Chỉ thị 16 đến 30/9, song sẽ có một số điểm nới lỏng. Ông cũng cho hay, chiều nay 14/9, UBND TP.HCM sẽ báo cáo Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố để có nghị quyết thông qua về kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/9.
Lộ trình dự kiến nới lỏng giãn cách xã hội theo 3 giai đoạn như đã công bố trước đó. Từ ngày 16/9 đến 31/10/2021 sẽ có thêm giai đoạn từ ngày 16 – 30/9 là “giai đoạn thử nghiệm ở quận 7, Củ Chi và Cần Giờ”. Để chuẩn bị cho lộ trình này, ông Bình cho biết Thành phố đã có bước chuẩn bị với những bước đi chắc chắn. Bắt đầu từ ngày 16/9, Thành phố sẽ cho các “shipper” chạy liên quận, với điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Trong thời gian đó, các shipper sẽ tiếp tục được hỗ trợ xét nghiệm miễn phí.
Trước câu hỏi của người dân gửi đến" "Nếu sau ngày 30/9 mà không kiểm soát được dịch, Thành phố có tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội hay không?", ông Lê Hòa Bình trả lời: "Thành phố không muốn giãn cách xã hội nặng nề hơn nữa nên từ ngày 15 đến 30/9, sẽ thí điểm ở ba quận/huyện (quận 7, Củ Chi và Cần Giờ) để xem xét các bước đi đã bảo đảm an toàn, những điều kiện kiểm soát dịch bệnh để có những bước đi tiếp theo".
Về câu hỏi liên quan đến tiêm vaccine, nếu một người đã tiêm 01 mũi vaccine ngừa Covid-19 có được đi làm trở lại không, và người đã tiêm đủ 02 mũi vaccine nhưng “sổ sức khỏe” ghi sai hay không cập nhật kịp thì việc chứng nhận “Thẻ xanh” như thế nào?
Ông Lê Hòa Bình trả lời rằng, Thành phố chỉ mới dự kiến vì đang trình các cấp có thẩm quyền để được thông qua. “Điều quan trọng hơn là nơi đến mà người lao động muốn đến có an toàn chưa?”, ông nói và cho biết thêm: Vaccine chưa phải là điều kiện đầy đủ. Vì vậy, Thành phố đang xây dựng một ứng dụng thí điểm ở 3 quận để người dân cập nhập điểm đến, nơi đã tiêm, chứng nhận tiêm chủng... để Thành phố thí điểm khi mở rộng giảm giãn cách ở các địa phương khác sẽ áp dụng và quản lý được. Người dân không cần phải sử dụng nhiều giấy tờ, sổ sách để chứng minh an toàn khi tham gia lưu thông.
Kể từ ngày 07/9, TP.HCM đã nới lỏng trong việc cho phép một số cửa hàng, quán ăn được bán đồ ăn cho bà con thông qua đặt hàng online và giao nhận qua “shipper”. Nhận định về quyết định này, ông Lê Hòa Bình cho hay: Thật ra, đây cũng là thời điểm để người dân làm quen với điều kiện sống trong giai đoạn có dịch bệnh, tập dần những thói quen. Lấy ví dụ, trước đây muốn mua đồ ăn người dân thoải mái chạy xe đến hàng quán ăn tại chỗ hay mua về nhà; song bây giờ thì phải đặt hàng qua “shipper”, chi phí tăng lên cũng khiến họ cân nhắc có nên mua hay không. Rồi xe chạy ra ngoài cũng phải cân nhắc đến các yếu tố về an toàn cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng. “Trong lộ trình sắp tới, Thành phố sẽ có kế hoạch nới lỏng từng khu vực, từng ngành, lĩnh vực theo tiêu chí an toàn tới đâu mở tới đó”, ông nói thêm.
Vị đại diện chính quyền TP.HCM còn cho biết hiện Thành phố đang xây dựng các tiêu chí an toàn để “mở cửa” cho doanh nghiệp hoạt động trong thời gian tới, tập trung vào 8 lĩnh vực, cùng 4 phương thức sản xuất sẽ sớm được thí điểm ban hành sớm. Còn trước mắt, Thành phố đang thẩm định lại kế hoạch cho bà con đi chợ 1 tuần/lần ở vùng xanh nhằm giảm lệ thuộc vào “shipper”, giảm chi phí tiêu dùng cho bà con.
Về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tái hoạt động sau ngày 15/9, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh, trong khi chờ các quyết sách được Trung ương phê duyệt theo lộ trình mà Đảng bộ Thành phố sẽ trình vào chiều nay 14/9, Thành phố đã làm việc với các ngân hàng nhằm bàn về chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp và sẽ giảm lãi suất cho doanh nghiệp cũng như giãn các khoản nợ, khoanh nợ. Đối với thủ tục hành chính, ông Lê Hòa Bình cam kết Thành phố sẽ đẩy mạnh giải quyết nhanh nhất cho doanh nghiệp, như được vay trong vòng một tuần nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
Đối với người dân, vị đại diện chính quyền TP.HCM nói rằng sau ngày 30/9, người dân khi ra đường, cần khai báo vào phần mềm hiện đang được Thành phố tích hợp xây dựng dữ liệu về các tiêu chí an toàn khi lưu thông trên đường.