Chiều 1/8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm.
SIẾT CHẶT KỶ CƯƠNG CÔNG VỤ
Tại phiên họp, một trong những vấn đề quan trọng được lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP.HCM đề cập tới là siết chặt kỷ cương công vụ trên địa bàn. Thời gian qua, việc cụ thể hóa các kết luận, chỉ đạo các nội dung diễn ra chưa như kỳ vọng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết khi Thành ủy TP.HCM sơ kết 6 tháng đã có nghị quyết và kết luận. Sau đó, Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng có Văn bản số 3843 gửi thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện để cụ thể hóa các nội dung này. Tuy nhiên, đến nay, về cơ bản thì các sở, ngành chưa thực hiện.
Ông Mãi nhấn mạnh: “Các nghị quyết, kết luận nêu trên là những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến hết nhiệm kỳ, các mục tiêu chính và giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu. Do đó, các đơn vị cần rà soát lại để cụ thể hóa và thực hiện”.
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2024, Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tổng thu cân đối ngân sách nhà nước của TP.HCM thời gian này ước thực hiện 308.724 tỷ đồng, đạt 63,9% dự toán và tăng 14% so với cùng kỳ.
Cụ thể, nguồn thu nội địa ước thực hiện 226.927 tỷ đồng, đạt 68,0% dự toán, tăng 23,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 20.704 tỷ đồng, đạt 69,2% dự toán, tăng 15,5%; thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 67.546 tỷ đồng, đạt 73,7% dự toán, tăng 19,5%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 51.522 tỷ đồng, đạt 73,7% dự toán, tăng 14,4%.
Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 7 tháng năm 2024 ước thực hiện 40.823 tỷ đồng, đạt 27,2% dự toán và giảm 10,5% so với cùng kỳ.
Tính riêng 7/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì đà hồi phục ở cả 3 chỉ số (sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 9,6%, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 13,4% và chỉ số tồn kho giảm 17,8%). Qua đó, góp phần đưa chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 7 tháng năm 2024 tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Cũng trong 7 tháng đầu năm, Thành phố đã cấp phép thành lập mới cho 29.991 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 245.096 tỷ đồng, tăng 8,4% về giấy phép. Trong đó, gần một nửa số công ty thuộc lĩnh vực thương nghiệp (buôn bán, hàng hóa dịch vụ), ước tăng 20% so với cùng kỳ 2023.
Về tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm, Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết các dự án trên địa bàn đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào hoạt động.
Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã hoàn thành hơn 98% khối lượng. Dự kiến, tháng 8 năm 2024 sẽ hoàn thành 5 bãi giữ xe; tháng 9 năm 2024 hoàn thành xong 9 cầu bộ hành và dự án Metro số 1 sẽ đưa vào vận hành trong năm 2024.
Dự án tuyến đường sắt Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cơ bản đã hoàn tất thủ tục ban hành Quyết định bồi thường 584/586 trường hợp, đạt 99,6%. Các nhà thầu đang thi công những hạng mục đầu tiên về di dời - tái lập hệ thống cấp thoát nước, biển báo, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông.
Dự án Thành phần 1 đường Vành đai 3 Thành phố được chia làm 14 gói thầu xây lắp. Trong đó có 10 gói thầu xây lắp chính đã đấu thầu xong và đang triển khai. Dự án Thành phần 2 đang được đẩy nhanh tiến độ bồi thường. Hiện mặt bằng bàn giao đạt 99%, trong đó tổng số trường 7 hợp đã bàn giao mặt bằng là 1.675/1.692 trường hợp.
Dự án mở rộng Quốc lộ 50 gồm 7 gói thầu xây lắp. Trong đó 4/7 gói xây lắp làm đường song hành Quốc lộ 50, dự kiến hoàn thành trong năm 2024; 3/7 gói thầu mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có 9/10 gói thầu xây lắp đang được triển khai thi công thử cọc bê tông cốt thép. Gói thầu thứ 10 đang thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân (quận 12 có 123 hộ và quận Gò Vấp có 43 hộ).
HAI KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Tại cuộc họp, ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết các chỉ số đã chứng tỏ nền kinh tế TP.HCM và cả nước đang phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Vũ cũng đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Thành phố.
Kịch bản thứ nhất, TP.HCM sẽ giữ mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% trong năm nay để tạo tiền đề tăng trưởng 8-8,5% trong năm sau.
Kịch bản thứ 2 là Thành phố giữ mức tăng trưởng 7-7,5%. Để đạt được mức tăng trưởng 7,5%, trong quý 3 và 4, đòi hỏi Thành phố sẽ phải nỗ lực lớn. Các điểm nghẽn rõ nét vẫn là tỉ lệ giải ngân đầu tư công, khả năng hấp thụ vốn, hay thúc đẩy xuất nhập khẩu còn nhiều vấn đề.
Theo ông Vũ, dựa trên những vấn đề đặt ra, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có dự thảo Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm và thường xuyên trong tháng 7, tháng 8 và thời gian tới.
Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm dự kiến là tập trung cho giải ngân đầu tư công, hấp thụ vốn, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trọng điểm; cải cách hành chính và phân cấp, ủy quyền; đẩy mạnh chi tiêu công, mở rộng thị trường; bảo vệ môi trường và tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Dựa trên các mục tiêu điều hành, dự thảo Chỉ thị có 7 nhóm giải pháp trọng tâm.
Cụ thể: Nhóm 1 là tập trung vào giải ngân đầu tư công và tăng cường khả năng hấp thụ vốn đầu tư; Nhóm 2 là giải pháp cải cách hành chính và triển khai quyền hạn đã được phân cấp, ủy quyền của Thành phố trong Nghị quyết 98, cụ thể hơn là Nghị định 84 của Chính phủ; Nhóm 3 là thúc đẩy chi tiêu công hiệu quả và đẩy mạnh tiêu dùng cũng như bình ổn thị trường; Nhóm 4 tập trung vào hoạt động xuất nhập khẩu; Nhóm 5 là về bảo vệ môi trường, thúc đẩy các dự án phục vụ an sinh xã hội; Nhóm 6 là nhóm thúc đẩy động lực tăng trưởng mới; Nhóm 7 là ngoại giao kinh tế, hợp tác quốc tế.
Ông Trương Minh Huy Vũ cho biết: “Trong 7 nhóm này, sở, ban, ngành đóng vai trò rất quan trọng. Hiện, Viên Nghiên cứu phát triển Thành phố đang tiếp tục ghi nhận các ý kiến từ các sở, ngành, đơn vị để hoàn thiện và trình Ủy ban nhân dân Thành phố ký ban hành”.