August 27, 2024 | 11:02 GMT+7

TP.HCM tìm giải pháp thoát bẫy thu nhập trung bình

Anh Khuê -

Thành phố cần đặt ra mục tiêu đủ thách thức để quyết tâm cùng với cả nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình...

Làm sao để thoát bẫy thu nhập trung bình, đang là mục tiêu và thách thức của Việt Nam và TP.HCM. Ảnh minh họa.
Làm sao để thoát bẫy thu nhập trung bình, đang là mục tiêu và thách thức của Việt Nam và TP.HCM. Ảnh minh họa.

Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia cho định hướng phát triển kinh tế xã hội TP.HCM giai đoạn 2026 – 2030, đã diễn ra cuối tuần qua. Theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, qua quá trình chuẩn bị văn kiện của Trung ương và của TP.HCM, đến nay Thành phố đã có bản dự thảo lần 1 Văn kiện kinh tế xã hội của Thành phố trình Đại hội XII TP.HCM, nhiệm kỳ 2025 – 2030. Vì vậy, các đại biểu, giới chuyên gia cần tập trung vào mục tiêu làm sao phải tìm ra những “điểm nghẽn” về chiến lược và cơ bản, cùng những điểm then chốt nhằm vượt bẫy thu nhập trung bình.

BẰNG MỌI CÁCH PHẢI THOÁT BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH

“Những điểm cần lựa chọn và đưa vào hai văn kiện làm định hướng cho TP.HCM trong thời gian tới, gồm Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội TP.HCM đến năm 2030, và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các đại biểu và chuyên gia tập trung thảo luận và cho ý kiến vào các ưu tiên này.

Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Thành phố cần phải vượt qua nhiều thách thức về năng suất lao động, huy động vốn đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức rất lớn mà Thành phố đang phải đối diện là mức năng suất lao động đang có dấu hiệu bão hòa và chúng ta cần phải tái cơ cấu ngành công nghiệp nhằm tăng cường đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

“Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng Việt Nam còn 10 năm nữa để quyết định có vượt qua được bẫy thu nhập trung bình hay không, hay vẫn trong vòng lẩn quẩn thu nhập trung bình. Vì vậy, trước hết, Thành phố cần phải tìm ra những điểm nghẽn để giải quyết được bài toán then chốt là thoát bẫy thu nhập trung bình vào năm 2035”, ông Mãi nhấn mạnh.

TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, góp ý rằng cần lấy mục tiêu năm 2030, tầm nhìn 2045 theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị để giải đáp bài toán phát triển TP.HCM trong giai đoạn 2026 - 2030 với 3 quan điểm lớn: Tận dụng thời cơ, Khai thác nguồn lực và Tăng trưởng nhanh, bền vững. Theo ông, điều này có nghĩa là chúng ta tiếp cận theo “bài toán ngược” để định hình chính sách và giải pháp phát triển với quyết tâm chính trị cao nhất, sao cho vừa giải quyết có hiệu quả những vấn đề đang tồn tại, vừa tạo nền tảng cho việc xây dựng thành phố toàn cầu, ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới.

Các vấn đề về hạ tầng giao thông, đô thị, thể chế quản lý (mô hình chính quyền đô thị,…) cũng được ông Lịch nêu ra nhằm tập trung giải quyết dứt điểm. Bởi vì, “để đạt mục tiêu tăng trưởng vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì cần phải đổi mới tư duy, giải bài toán ngược với cơ chế khác, các làm khác”, TS. Trần Du Lịch nói.

BÀI TOÁN NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ XÃ HỘI

Đặt vấn đề dưới góc nhìn khác về vốn là thu hút nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, chuyên gia PGS. Trần Hoàng Ngân, trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM, đưa ra các con số để so sánh: Tổng vốn đầu tư xã hội của TP.HCM giai đoạn 2011 - 2015 là 1,1 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm là 238.000 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 vốn đầu tư xã hội là 1,9 triệu tỷ, bình quân mỗi năm là 390.000 tỷ đồng; trong khi 3 năm qua (2021 – 2024), bình quân mỗi năm chỉ đạt khoảng 335.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Thành phố cần phải tìm ra những điểm nghẽn để giải quyết được bài toán then chốt là thoát bẫy thu nhập trung bình vào năm 2035. Ảnh: Thanh Mai.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Thành phố cần phải tìm ra những điểm nghẽn để giải quyết được bài toán then chốt là thoát bẫy thu nhập trung bình vào năm 2035. Ảnh: Thanh Mai.

PGS. Trần Hoàng Ngân nhận định: Vốn đầu tư là đòn bẩy, quyết định đến 40% tăng trưởng. Nếu nguồn vốn giảm mà tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vẫn tăng, thì hiệu quả sử dụng vốn rất tốt. Thế nhưng, vấn đề ở đây là giảm vốn mà tăng trưởng không bằng các năm, thì chúng ta phải xem xét lại tính hiệu quả. Nếu Thành phố giải ngân được hết nguồn vốn đầu tư công đến hết năm 2025 (170.000 tỷ đồng) sẽ tạo ra kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, làm bệ phóng cho tăng trưởng. Bởi vì giải pháp tăng vốn đầu tư xã hội là rất quan trọng.

Nêu nhận định tương tự, Cục trưởng Cục Thống lê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng cũng cho biết thời gian qua, năng suất lao động của Thành phố không ngừng tăng lên, nhưng tốc độ tăng trưởng năng suất thì chậm lại. Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố chậm lại, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã bão hòa.

Đặt vấn đề về đánh giá lại tính hiệu quả của vốn đầu tư hiện nay, ông Hoàng nêu lên các số liệu so sánh: Sự tăng trưởng chậm lại cũng kéo theo vốn đầu tư xã hội có xu hướng giảm từ 31% xuống còn 22,6%; mức giảm này do và cho thấy hiệu quả sử dụng vốn còn khá yếu. Chẳng hạn, giai đoạn 2011 - 2015, để có 1 đồng giá trị thì cần 4,8 đồng vốn; tương tự, giai đoạn 2016 - 2019 là cần 4,9 đồng, đã cho thấy hiệu quả sử dụng vốn không cải thiện. “Đây là một trong những nguyên nhân làm kéo giảm thu nhập bình quân đầu người của TP.HCM”, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố khẳng định.

Về định hướng phát triển kinh tế xã hội TP.HCM trong thời gian tới, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết trong 2025 – 2030, kinh tế Thành phố phải tăng trưởng 9%, đồng thời phải tiến hành hàng loạt công việc từ huy động vốn đầu tư xã hội. Muốn vậy, Thành phố phải có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư và nâng cao năng lực hấp thụ vốn đầu tư thông qua cải cách mạnh mẽ và năng lực thực thi của bộ máy; phải tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, giá trị gia tăng cao. Cần chọn những vấn đề trọng tâm, những công việc rất cụ thể, những công trình, dự án cụ thể nhằm tập trung thực hiện bằng được từ đây đến cuối nhiệm kỳ 2025 và cho nhiệm kỳ XII nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate