September 05, 2021 | 22:29 GMT+7

TP.HCM: Tỷ lệ dương tính vùng cam và đỏ giảm ở đợt xét nghiệm 2

Minh Tâm -

Trong đợt xét nghiệm 2, tỷ lệ dương tính vùng cam và vùng đỏ có chiều hướng giảm từ 3,6% xuống còn 2,7%, vùng xanh và cận xanh là 0,8%; vùng vàng là 1,5%...

TP.HCM sẽ hoàn tất việc xét nghiệm trên diện rộng đợt 2 vào ngày 6/9.
TP.HCM sẽ hoàn tất việc xét nghiệm trên diện rộng đợt 2 vào ngày 6/9.

Theo Sở Y tế TP.HCM, ngày 6/9 Sở Y tế sẽ có kết quả về đợt xét nghiệm diện rộng tại thành phố từ ngày 23/8 đến nay, từ đó thành phố sẽ phân loại lại các vùng nguy cơ

TỶ LỆ DƯƠNG TÍNH GIẢM Ở VÙNG CAM VÀ VÙNG ĐỎ

Thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết ngày 6/9, Sở Y tế sẽ có thông tin chính xác về công tác xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, từ đó thành phố sẽ phân loại các vùng nguy cơ.

 

Tỷ lệ dương tính vùng cam và vùng đỏ tại TP.HCM có chiều hướng giảm từ 3,6% xuống còn 2,7%.

Tính đến chiều 5/9, tất cả 22 địa phương tại TP.HCM đã hoàn thành xét nghiệm đợt 1 ở cả 5 vùng (xanh, cận xanh, vàng, cam, đỏ), riêng đợt 2 đã xong 80%.

Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ, tỷ lệ dương tính Covid-19 ở "vùng xanh" và "vùng cận xanh" là 0,8%, "vùng vàng" là 1,5%; riêng "vùng đỏ" và "vùng cam" qua test nhanh, thì tỷ lệ dương tính đợt 1 là 3,6% so với mẫu xét nghiệm được lấy và đợt 2 là khoảng 2,7%.

Dù số lượng F0 tại các vùng nguy cơ qua xét nghiệm đợt 2 có giảm so với đợt 1, nhưng chưa đúng kỳ vọng. Phải chờ hết ngày 6/9, khi tất cả các địa phương hoàn tất xong việc xét nghiệm đợt 2 thì mới có thể đánh giá con số chính xác.

Về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết, trong đợt dịch thứ 4, bắt đầu từ ngày 27/4 đến tối 4/9, TP.HCM có tổng cộng 245.707 trường hợp nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 245.247 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, số còn lại là trường hợp nhập cảnh.

Hiện thành phố đang điều trị 42.863 bệnh nhân, trong đó có 2.969 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.789 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Tổng số xuất viện cộng dồn từ 1.1.2021 đến 4.9 là 125.481 ca. Tổng số tử vong cộng dồn từ 1.1.2021 đến 4.9 là khoảng 10.452 ca.

Về chiến dịch tiêm vaccine tại TP.HCM, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 4/9 là 6.444.82. Trong đó tổng số mũi 1 là 5.992.514, mũi 2 là 452.312, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 695.513 người.

THUỐC KHÁNG VIRUS MOLNUPIRAVIR GIÚP GIẢM TỶ LỆ TỬ VONG

Thông tin về việc phân bổ thuốc  kháng virus Molnupiravir trong điều trị bệnh Covid-19, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm, cho biết: TP.HCM hiện đã đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào túi thuốc C điều trị cho F0. Tuy nhiên, đến nay việc phân bổ túi thuốc này còn thấp.

Thuốc kháng virus Molnupiravir đang được đưa vào túi thuốc C điều trị cho F0.
Thuốc kháng virus Molnupiravir đang được đưa vào túi thuốc C điều trị cho F0.

Cũng theo ông Tâm, túi thuốc C trực tiếp khống chế làm giảm tải lượng virus và cải thiện tình trạng bệnh của người bệnh Covid-19. Vừa qua, thành phố đã nhận 16.000 liều và phát về các quận huyện 5.058 liều, tức gần 1/3 số thuốc.

 

Thuốc kháng virus Covid-19 Molnupiravir đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới và ghi nhận kết quả khả quan, làm giảm tải lượng virus, giảm tỷ lệ tử vong và tác dụng phụ rất ít.

"Thuốc này là thuốc được kiểm soát đặc biệt, không phải ai cũng có thể dùng. Đây là thuốc rất mới nên có một số chống chỉ định nên người bệnh khi sử dụng phải ký cam kết. Do giám sát chặt chẽ về chuyên môn và pháp lý nên hiện thời thuốc đã có sẵn nhưng người bệnh còn dè dặt vì thuốc này mới. Do đó, tỷ lệ tiếp nhận còn thấp", ông Tâm cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Tâm đánh giá, tỷ lệ 1/3 là khá khả quan vì so với vài ngày trước đây số lượng thấp hơn nhiều. Ngành Y tế đã chủ động truyền thông để người dân mạnh dạn dùng thuốc. Thuốc này đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng và có ghi nhận khả quan, có làm giảm tải lượng virus, giảm tỷ lệ tử vong và tác dụng phụ rất ít.

Theo báo cáo của HCDC, tác dụng phụ hầu như không đáng kể như nhức đầu, mất ngủ, mệt mỏi… Có thể đánh giá sơ bộ, thuốc Molnupiravir mang lại kết quả khả quan trong cuộc chiến chống Covid-19.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate