February 23, 2022 | 06:00 GMT+7

TP.HCM vẫn “khát” lao động

Xuân Nghi -

Ngay từ sau tết nguyên đán, các doanh nghiệp hối hả tuyển lao động. Song, nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn sau dịch Covid-19 đến 30%, vừa thiếu ở nhóm công nhân sản xuất trực tiếp, vừa thiếu ở nhóm lao động có chuyên môn, chất lượng cao.

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, phần lớn doanh nghiệp bắt đầu triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự phục vụ nhu cầu ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, phần lớn doanh nghiệp bắt đầu triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự phục vụ nhu cầu ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trong năm 2022, TP.HCM cần trên 300.000 lao động, trong đó có 170.000 chỗ làm việc mới.

Thời điểm sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, phần lớn doanh nghiệp bắt đầu triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự phục vụ nhu cầu ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, một lượng lao động lớn từ các tỉnh sẽ quay lại TP.HCM sau khi tình hình dịch đã ổn định và sau thời gian về quê ăn tết, thị trường lao động sau tết tiếp tục có những chuyển biến tích cực, sôi động trở lại.

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI), dự kiến nhu cầu nhân lực sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần cần khoảng 44.800 - 55.600 chỗ làm việc, tập trung ở các ngành như: Dệt may - giày da; sản xuất, chế biến thực thẩm; cơ khí; hóa chất - dược - cao su; kiến trúc; xây dựng; bán buôn và bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; dịch vụ bảo vệ…

Các nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng cao sau tết như kinh doanh thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển; công nghệ thông tin; dệt may - giày da; dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống; công nghệ lương thực - thực phẩm; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử,… Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 86,39%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%, cao đẳng chiếm 19,13%, trung cấp chiếm 25,08%, sơ cấp chiếm 20,6%.

Đánh giá của Navigos Group, ở thị trường nhân lực cấp trung và cấp cao, các vị trí công nghệ thông tin và bán hàng đang được doanh nghiệp tài chính - ngân hàng tuyển dụng số lượng lớn. Trong khi đó, nhân sự ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) khan hiếm ở vị trí bán hàng, tiếp thị. Từ đó, Navigos Group khuyến nghị các doanh nghiệp nên sẵn sàng chọn các ứng viên tiềm năng thay vì những người lao động đã có sẵn kinh nghiệm, kỹ năng, nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn nhân lực đã có và thu hút thêm các nguồn nhân sự khác.

Theo nhận định của Sở Lao đông – Thương bình và Xã hội TP.HCM, đến nay 95% lao động trên địa bàn TP.HCM đã quay lại làm việc. Thành phố đang phục hồi các sàn giao dịch việc làm trực tiếp và mở rộng các sàn việc làm trực tuyến để kết nối cung - cầu lao động; đồng thời, có các chính sách an sinh đặc thù về nhà ở xã hội giá rẻ, khu lưu trú,...

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện Thành phố đã gắn kết với chính sách hỗ trợ của Chính phủ để hỗ trợ người lao động 500.000 – 1.000.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng; vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng, hỗ trợ chủ nhà trọ vay vốn để chỉnh trang phòng trọ,… Tổng thể các giải pháp nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; công khai lương, thưởng, phúc lợi và các chính sách giúp người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Thị trường lao động TP.HCM sau Tết Nhâm Dần đang có chuyển biến tích cực, sôi động trở lại vì nhiều doanh nghiệp cần tuyển dụng. Một lượng lớn người lao động từ các tỉnh tiếp tục quay lại TP.HCM sau dịch bệnh và sau thời gian đón tết.

Nghề có nhu cầu tìm việc cao trước Tết Nguyên Đán năm 2022 (%)
Nghề có nhu cầu tìm việc cao trước Tết Nguyên Đán năm 2022 (%)

Theo chuyên gia về thị trường lao động Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực Việt Nam, các doanh nghiệp đang gấp rút tuyển dụng nhưng đối diện nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn, lên đến 30%, thậm chí tới 60%, nhất là người lao động, công nhân sản xuất trực tiếp.

"Nhu cầu tuyển dụng luôn mở ra, nhưng thị trường luôn diễn biến theo hướng cần nhiều lao động có chuyên môn, có kỹ năng nghề nghiệp và thái độ nghề nghiệp chuẩn mực; đào thải lao động kỹ năng thấp. Người lao động, vì vậy cần liên tục trau dồi các yêu cầu trên, qua đó giúp bản thân người lao động cải thiện thu nhập và ứng biến tốt hơn trước các biến động của thị trường", chuyên gia Trần Anh Tuấn lưu ý.

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động, tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng, người lao động thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2021, thị trường lao động có dấu hiệu khởi sắc trở lại khi TP.HCM thực hiện nới lỏng giản cách xã hội cùng với việc doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần đã góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo chiều hướng tích cực.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate