Ông Tan Kim Leng, chuyên gia Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh tại hội thảo Xây dựng tầm nhìn chiến lược dữ liệu của thành phố ngày 30/8 tại TP.HCM. Hội thảo do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức.
DỮ LIỆU DÂN CƯ LÀ NGUỒN LỰC QUAN TRỌNG NHẤT
Tại hội thảo, chuyên gia Tan Kim Leng đã dẫn chứng về mô hình Chính phủ số tại Singapore. Theo đó, người dân khi muốn gia hạn hộ chiếu, họ có thể thực hiện hoàn toàn trên ứng dụng di dộng mà không cần đi đến các cơ quan hành chính.
“Để thành lập chính phủ số với những dịch vụ công có hiệu quả, các cơ quan nhà nước phải thống nhất với nhau đâu là dữ liệu nền cần chia sẻ.
Đồng thời, đưa ra cam kết về thời gian xử lý và chất lượng phục vụ các dịch vụ với người dân".
Đặc biệt, trong quá trình làm thủ tục, người dân không phải điền bất kì các biểu mẫu nào vì những dữ liệu về công dân đã được chính phủ thu thập và chia sẻ nội bộ. Người dân chỉ cần cập nhật hình ảnh mới nhất của bản thân và tiến hành thanh toán, sau đó sẽ nhận được tin nhắn được thông báo về thời gian nhận hộ chiếu của bản thân. Đó là cách Singapore thay đổi cách tiếp cận công dân bằng dịch vụ Chính phủ số.
Ông Tan Kim Leng khẳng định ba cơ sở dữ liệu quan trọng của một đất nước bao gồm: quản lý dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý dữ liệu quốc gia về đất đai; quản lý dữ liệu quốc gia về tổ chức. Trong đó, dữ liệu dân cư là nguồn lực quan trọng nhất, bởi con người là nhân tố tạo ra của cải và tài sản.
“Để thành lập chính phủ số với những dịch vụ công có hiệu quả, các cơ quan nhà nước phải thống nhất với nhau đâu là dữ liệu nền cần chia sẻ. Đồng thời, đưa ra cam kết về thời gian xử lý và chất lượng phục vụ các dịch vụ với người dân”, ông Tan Kim Leng cho hay.
Ngoài ra, nhà nước có thể tổ chức cho người dân đánh giá, xếp hạng chất lượng, mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công của các cơ quan nhà nước. Bảng xếp hạng này sẽ được đăng tải thường kỳ trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Sự minh bạch của các thang đo sẽ tạo động lực, buộc các cơ quan có thứ hạng thấp phải cải thiện chất lượng phục vụ người dân của mình.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, sở ban ngành đã có các trao đổi liên quan đến công tác quản trị, quy trình quản lý, nghiên cứu điển hình về các dịch vụ chính quyền số, việc quản lý, phân tích, quản trị, chia sẻ dữ liệu, thông tin,…
THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ QUẢN TRỊ DỮ LIỆU
Hội thảo Xây dựng tầm nhìn chiến lược dữ liệu là cơ hội để thành phố lắng nghe các ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia về những chiến lược, định hướng, chính sách thúc đẩy phát triển chuyển đổi số nói chung và công tác quản trị dữ liệu nói riêng.
Đồng thời ghi nhận các yêu cầu, kỳ vọng về sử dụng dữ liệu phục vụ công tác quản trị của lãnh đạo các sở, ban ngành, quận huyện, các hiệp hội, doanh nghiệp. Từ đó, hoàn thiện chiến lược quản trị dữ liệu, xác định đúng mức độ ưu tiên, xây dựng được lộ trình, kế hoạch triển khai các hạng mục, dự án về tạo lập và khai thác dữ liệu phù hợp, phục vụ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số của thành phố.
"Sở Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Thế giới đã khảo sát, đánh giá hiện trạng dữ liệu, nhu cầu sử dụng dữ liệu của các cơ quan nhà nước thành phố.
Cụ thể, tập trung vào ba nhóm dữ liệu: không gian phục vụ quản lý, quy hoạch phát triển đô thị; liên quan đến thông tin của người dân; phát triển kinh tế, tài chính."
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Thế giới đã khảo sát, đánh giá hiện trạng dữ liệu, nhu cầu sử dụng dữ liệu của các cơ quan nhà nước thành phố. Cụ thể, tập trung vào ba nhóm dữ liệu: không gian phục vụ quản lý, quy hoạch phát triển đô thị; liên quan đến thông tin của người dân; phát triển kinh tế, tài chính.
Tuy nhiên, theo bà Trinh, các khó khăn trong quá trình chuyển đổi số hiện nay chủ yếu ở nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại địa phương rất ít, mỗi quận, huyện chỉ có khoảng 1-2 người. Do đó, để tháo gỡ vướng mắc trên, thành phố hướng đến việc thuê các dịch vụ tạo lập dữ liệu, đơn vị lập trình bên ngoài. Vì vậy, TP.HCM cũng muốn tham khảo ý kiến của các chuyên gia về việc thực hiện giải pháp trên.
Theo ông Tan Kim Leng, phạm vi của chiến lược và quản trị dữ liệu gồm cung cấp các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nhóm công tác quản trị dữ liệu của TP.HCM. Chiến lược sẽ xác định tầm nhìn, các mục tiêu cụ thể, lĩnh vực ưu tiên, lộ trình, kế hoạch triển khai các dự án, hạng mục số hóa, tạo lập và khai thác dữ liệu phục vụ nhu cầu quản trị của thành phố, xây dựng và áp dụng một khung kiến trúc dữ liệu cho toàn bộ chính quyền thành phố.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng yêu cầu về dịch vụ trong chuyển đổi số là hiểu rõ nhu cầu, quản lý kỳ vọng của khách hàng. Từ đó, tái thiết kế quy trình nghiệp vụ, đảm bảo sự hợp lý và tối ưu hóa các quy trình để đạt được sự cải tiến thông qua đo lường hiệu suất về dịch vụ, thời gian, chất lượng và chi phí.
“Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở công nghệ. Mục tiêu của chuyển đổi số là nắm bắt văn hóa đổi mới, tạo tầm nhìn về một tương lai khác, khai thác, khám phá các thay đổi về mặt công nghệ, năng lực cạnh tranh, nhu cầu và hành vi của các bên liên quan”, ông Tan Kim Leng nhấn mạnh.