Sáng 11/10, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tổ chức hội nghị triển khai Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối từ nay đến năm 2030. Để khuyến khích người Việt ở nước ngoài gửi tiền về, thành phố đã áp dụng nhiều chính sách cho nguồn kiều hối.
GẦN 5,5 tỷ USD KIỀU HỐI VỀ TP.HCM TRONG 9 THÁNG
Từ tháng 1/2023 đến tháng 9/2024, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội thảo nhằm thu thập ý kiến từ chuyên gia và cộng đồng kiều bào để hoàn thiện Đề án, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tế.
Ngày 26/9/2024, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã chính thức ban hành Đề án "Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối đến năm 2030".
Đề án là sáng kiến thể hiện nỗ lực hợp tác mang tính bước ngoặt do Thành ủy và Ủy ban nhân dân TP.HCM, với sự chỉ đạo của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài. Hiện tại, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ là cơ quan đầu mối, chủ động triển khai nhiệm vụ và phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết chỉ trong 9 tháng đầu năm, lượng kiều hối về TP.HCM đã đạt 5,485 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ và bằng 77% so với cả năm 2023. Trong đó, 14 công ty kiều hối chiếm khoảng 77,4% trong tổng nguồn chuyển về.
“Dù quý 3/2024 có giảm nhẹ so với quý 2, nhưng với tốc độ và cơ cấu này thì hoàn toàn đạt được mục tiêu tăng trưởng kiều hối 10%/năm như đề án định hướng”, ông Lệnh cho biết.
Tại hội nghị, các đại diện cơ quan, Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài, cũng được kết nối tham dự trực tuyến và đóng góp ý kiến cho Đề án.
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc, đã bày tỏ hy vọng các ngân hàng Việt Nam sẽ hợp tác với các ngân hàng đối tác tại Úc để thuận tiện hơn trong việc chuyển tiền về nước, điều này cũng sẽ thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa hai nước. Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc cho biết vừa qua đã huy động được 45.000 đô la Úc để gửi về hỗ trợ đồng bào bị bão lụt, nhưng do kênh chuyển tiền chưa thuận lợi nên phí chuyển đã lên tới hơn 10%.
Phía đầu cầu Nhật Bản, Đại biện đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, ông Nguyễn Đức Minh, cho biết kiều hối là một chủ đề được cộng đồng người Việt tại Nhật Bản đặc biệt quan tân khi mà số lượng người Việt tại đây đã tăng lên hơn 600.000 người, chủ yếu là giới trẻ. “Từ góc độ đại sứ quán, chúng tôi theo dõi chặt chẽ quá trình triển khai đề án. TPHCM đang dẫn đầu cả nước với quyết tâm mạnh mẽ trong việc này”, ông Minh nhấn mạnh và cho biết sẽ phát huy vai trò của đại sứ quán để giúp cộng đồng người Việt nắm bắt và hiểu rõ các cơ hội đầu tư từ chính sách này.
THÚC ĐẨY KIỀU HỐI TRỞ THÀNH NGUỒN LỰC NỘI TẠI PHÁT TRIỂN CỦA TP.HCM
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố, đánh giá kiều hối là nguồn lực nội tại có vai trò trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, thành phố đã áp dụng nhiều chính sách khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, người lao động ở nước ngoài chuyển tiền về nước như: Không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào; có chính sách cho phép người nhận giữ ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng…
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh đề án được thông qua với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị Thành phố, sự kỳ vọng của bà con người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, việc thực hiện thành công đề án cần sự phối hợp hiệu quả trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn, các bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, công ty kiều hối và bà con người Việt Nam ở các nước. Đặc biệt, mỗi sở ngành sẽ có nhiệm vụ cụ thể.
Thứ nhất, Ủy ban nhân dân Thành phố giao Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài làm cơ quan đầu mối chủ trì triển khai Đề án. Ủy ban sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Thứ hai, ngay sau hội nghị, Ủy ban sẽ gửi công văn chuyển giao Đề án cùng nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, nhằm triển khai thực tế. Ủy ban cũng sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa, đồng thời đề xuất phát hành trái phiếu để thu hút kiều hối đầu tư vào hạ tầng. Các sở như Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ đầu tư và tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động mới.
Thứ ba, các sở ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện cần chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, đảm bảo công tác triển khai diễn ra thông suốt và hiệu quả. Ủy ban nhận thức rằng thành công của Đề án cần sự chung tay từ toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng kiều bào. Đồng thời, sẽ phối hợp với truyền thông để tuyên truyền về chính sách này, giúp kiều bào hiểu rõ hơn về chủ trương của Thành phố.
Đồng thời, cần có kế hoạch chi tiết và thường xuyên báo cáo để kịp thời xử lý vướng mắc. Ủy ban cũng sẽ phối hợp với truyền thông để tuyên truyền rộng rãi về Đề án.
“Phát huy nguồn lực kiều hối là nhiệm vụ chiến lược, cần sự chung tay từ cộng đồng kiều bào và các cơ quan đại diện ngoại giao. Với quyết tâm cao, chúng ta sẽ biến nguồn kiều hối thành động lực phát triển bền vững cho TP.HCM và cả nước”, bà Mai khẳng định lại.