May 08, 2024 | 16:20 GMT+7

TP.Nam Định (dự kiến mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại 2

Thanh Xuân -

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 379/QĐ-TTg công nhận TP.Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính), tỉnh Nam Định đạt tiêu chí đô thị loại 2…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TP.Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính) đạt tiêu chí đô thị loại 2 (phạm vi 120,9km2), gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.Nam Định hiện hữu và huyện Mỹ Lộc hiện hữu; với 36 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, khu vực nội thị dự kiến diện tích khoảng 56,38km2, gồm các phường hiện hữu và khu vực dự kiến thành lập 4 phường. Khu vực ngoại thị dự kiến diện tích là 64,52km2, gồm 9 xã còn lại của huyện Mỹ Lộc (Mỹ Hà, Mỹ Trung, Mỹ Phúc, Mỹ Thành, Mỹ Tiến, Mỹ Thắng, Mỹ Tân, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận).

Theo quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 của Nam Định là trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là trung tâm của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. 

Tỉnh sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị gắn với phát triển các khu chức năng (khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu du lịch; khu nghiên cứu đào tạo; khu thể dục thể thao…). Quy hoạch nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, đảm bảo đủ tiêu chuẩn về diện tích, chất lượng công trình, mỹ quan, an toàn và môi trường theo quy định của pháp luật.

Hệ thống đô thị tỉnh Nam Định dự kiến có 26 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa 45-50%. Theo đó, TP.Nam Định (mở rộng) là đô thị loại I; 9 đô thị loại IV là thị trấn: Thịnh Long, Yên Định - huyện Hải Hậu; Rạng Đông - huyện Nghĩa Hưng, Quất Lâm, Giao Thủy - huyện Giao Thủy; Xuân Trường - huyện Xuân Trường; Cổ Lễ - huyện Trực Ninh; Lâm - huyện Ý Yên; Gôi - huyện Vụ Bản.

Ngoài ra còn 16 đô thị loại V là 6 đô thị hiện hữu: Nam Giang - huyện Nam Trực; Quỹ Nhất - huyện Nghĩa Hưng; Cồn - huyện Hải Hậu; Cát Thành, Ninh Cường - huyện Trực Ninh; Liễu Đề - huyện Nghĩa Hưng. Và 10 đô thị thành lập mới: khu vực 4 xã huyện Ý Yên; Hồng Ngọc - huyện Xuân Trường; Bo - huyện Ý Yên; Nghĩa Minh - huyện Nghĩa Hưng; Đại Đồng - huyện Giao Thủy; Trung Thành - huyện Vụ Bản; Đồng Sơn - huyện Nam Trực; Trực Nội - huyện Trực Ninh; Hải Phú, Hải Đông - huyện Hải Hậu.

Trong đó xác định phát triển, xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội TP. Nam Định, là đô thị loại I thuộc tỉnh, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của tỉnh Nam Định và định hướng phát triển thành trung tâm của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Nam Định dự định tiến hành nghiên cứu ứng dụng các mô hình và thực tiễn quản lý phát triển đô thị trong nước, lẫn quốc tế để nâng cao năng lực quản lý và thực thi của chính quyền; ứng dụng những biện pháp kỹ thuật tiên tiến về quản lý phát triển đô thị, nhằm đảm bảo sự phát triển hiện đại, văn minh và thân thiện với môi trường.

Tổ chức thực hiện tốt việc kiểm soát gia tăng dân số tạm trú, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung thống nhất mang tính tích hợp. Thực hiện lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài trung tâm các đô thị. Không cấp phép xây dựng công trình nhà ở cao tầng tại trung tâm các đô thị, khi chưa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội của khu vực.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate