Ngày 27/10/2023, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ban hành Kết luận số 770-KL/TU giao Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM, lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo, nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện dự thảo đề án “Xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030” (Đề án).
Theo đó, UBND TP.HCM đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả, đã thực hiện khảo sát 12.869 phiếu đối với các đối tượng công chức và 76.601 phiếu đối với các đối tượng viên chức trên địa bàn thành phố.
CÔNG VIÊN CHỨC CÓ THU NHẬP ĐỦ SỐNG
Ban soạn thảo đã xây dựng các nội dung cơ bản, trọng tâm của dự thảo Đề án, trong đó nhấn mạnh các nhóm giải pháp hướng đến xây dựng nền công vụ thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 – 2030, như: Nhóm giải pháp về tuyên truyền, giáo dục tư tưởng; Nhóm giải pháp về xây dựng đội ngũ công chức, viên chức của TP.HCM ngang tầm nhiệm vụ; Nhóm giải pháp xây dựng môi trường, không gian của nền công vụ, tạo động lực làm việc và khuyến khích, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo.
Tại hội thảo khoa học “Xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030” do UBND TP.HCM tổ chức mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu xây dựng một nền công vụ, một nền hành chính tiên tiến, phục vụ người dân, kiến tạo phát triển là “kim chỉ nam” của Đề án.
Ông Mãi cũng cho biết trên cơ sở hiện trạng, TP.HCM đã tiến hành khảo sát để đánh giá hiện trạng nền công vụ thành phố. Từ hiện trạng này, xác định để đạt được mục tiêu thì thành phố cần tập trung vào cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, hiện đại hóa nền công vụ… Ngoài ra, còn một số vấn đề cần kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và có những vấn đề thành phố phải tự điều chỉnh.
“Trung ương nhận thấy sự năng động của TP.HCM nên cho thành phố các cơ chế đặc thù, mới đây nhất là Nghị quyết 98. Trong việc xây dựng đề án nền công vụ, phải bảo đảm tuân thủ quy định nhưng cũng cần hướng tới vượt khung chính sách hiện tại để xin với Trung ương, Quốc hội có khung pháp lý phù hợp với vị trí, vai trò của TP.HCM”, ông Mãi nêu.
Theo GS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ, cải cách hành chính toàn diện phải có nền công vụ ưu tú. 03 trụ cột của một nền công vụ ưu tú gồm: năng lực, động lực và không gian. Trong đó, TP.HCM phải tạo ra được đội ngũ công vụ “muốn làm, làm được, được làm”.
“Then chốt để tạo động lực là trách nhiệm giải trình. Then chốt để tạo trách nhiệm giải trình là có một hệ thống đánh giá kết quả công việc rõ ràng. Kết quả đánh giá hiệu quả công việc được sử dụng trong các quyết định khen thưởng và bổ nhiệm. Cơ chế khen thưởng, bổ nhiệm dựa trên kết quả công việc cần được xây dựng công khai, minh bạch”, GS Trần Ngọc Anh nói.
GS Trần Ngọc Anh cũng nêu 03 giải pháp trọng tâm cho 03 trụ cột của một nền công vụ ưu tú gồm: thu nhập, đánh giá và pháp lý. Do vậy, TP.HCM cần được trao quyền chủ động hơn trong sử dụng ngân sách và tuyển dụng, đãi ngộ nhân sự. Để thực hiện điều này, các đơn vị cần có nguồn ngân sách riêng, ổn định.
“Đề án này cần giúp Trung ương nhận rõ rằng xây dựng một nền công vụ hiện đại, hiệu quả là chìa khóa cho sự “cất cánh” của TP.HCM, và có ý nghĩa quyết định để Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp, thu nhập cao từ năm 2045. Từ đó, TP.HCM mới có được một cơ chế đặc thù để xây dựng nền công vụ của mình”, GS Trần Ngọc Anh đề xuất.
Còn TS Trần Du Lịch phân tích nền công vụ theo 03 cấu phần: thể chế hành chính, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức thực thi công vụ. Đây là 03 cấu phần của nền hành chính của chính quyền địa phương. Ba cấu phần có quan hệ hữu cơ, nên trong quá trình cải cách nền hành chính phải bảo đảm tính đồng bộ của 03 cấu phần này.
Chính quyền điện tử là phương thức cơ bản vận hành nền công vụ trong mối quan hệ: cơ quan chính quyền với cơ quan chính quyền và cơ quan chính quyền với mọi pháp nhân và thể nhân trong tất cả các quan hệ liên quan đến hoạt động hành chính công. Xây dựng nền công vụ TP.HCM phải gắn với việc hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị.
Một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả là sản phẩm của mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm và quy mô đô thị cùng với đội ngũ cán bộ, công chức mẫn cán trong công vụ. Do đó, gốc vấn đề vẫn là phải hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu công vụ.
“Chính phủ cần sớm ban hành nghị định mở rộng phân cấp phân quyền cho TP.HCM trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là 05 lĩnh vực đã được quy định trong Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội”, ông Lịch nói.
CẦN ĐỘI NGŨ CÔNG VIÊN CHỨC CHUYÊN NGHIỆP
Đề xuất giải pháp hiện đại hóa nền công vụ ở Việt Nam trong thời gian tới, TS Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, cho rằng cần tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý. Đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng, ban hành các quy định thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện việc thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng và tương đương; Hoàn thiện các quy định về quản lý, hướng dẫn xây dựng vị trí việc làm.
Cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu.
Xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai các văn bản pháp luật quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương; quy định quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng trong các doanh nghiệp nhà nước; quy định về xác định tiền lương đối với sản phẩm, dịch vụ công ích...
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, để xây dựng thành công nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần có đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp.
Sở Y tế đề xuất 09 giải pháp thuộc 02 nhóm giải pháp về định hướng phát triển nền công vụ và xây dựng đội ngũ công chức, viên chức của ngành y tế. Đẩy mạnh việc bố trí, sắp xếp lại công chức, viên chức theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cơ quan này đang đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá và thường xuyên đo lường mức độ hài lòng của người dân và tổ chức; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ… Sở đang tập tạo môi trường thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Hoàn thiện thể chế và các quy định để thúc đẩy chuyển đổi số, để hoàn thiện toàn diện, đồng bộ và vận hành có hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra…
Kết luận hội thảo, ông Phan Văn Mãi đề nghị Ban soạn thảo, Tổ giúp việc đề án hoàn thiện đề án trong tháng 4/2024. “Đề xuất một số nội dung chuyên sâu, như: ý kiến nghiên cứu khoán chi lương để tạo động lực, nghiên cứu quy trình hành chính để phân rõ viên chức cấp xã, sở, ngành, quy trình tổ chức vận hành, tương tác với cấp quận, huyện, cơ sở, người dân”, ông Mãi nhấn mạnh.