Thông báo này được đưa ra sau khi Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) kết thúc cuộc điều tra kéo dài một năm đối với thuế dịch vụ số được cho là phân biệt đối xử mà Áo, Ấn Độ, Italy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh đang áp lên các hãng công nghệ Mỹ.
Theo Nikkei Asia, Mỹ sẽ chưa áp thuế ngay mà dành ra 180 ngày để xem vấn đề thuế quan với các Big Tech có được giải quyết thông qua những cuộc đàm phán đang diễn ra hay không.
“Mỹ vẫn duy trì cam kết để đạt được đồng thuận về các vấn đề thuế quốc tế thông qua quy trình của OECD và G20”, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết ngày 2/6. "Động thái hôm nay của chúng tôi dành thời gian cho các cuộc đàm phán đó tiếp tục đạt được bước tiến, đồng thời vẫn duy trì khả năng áp đặt thuế quan theo Mục 301 (của Đạo luật Thương mại Mỹ)”.
Tranh chấp giữa Mỹ - quê hương của nhiều hãng công nghệ lớn nhất thế giới - và các nền kinh tế khác trên thế giới cho thấy rõ khoảng cách ngày càng lớn giữa các chính phủ trong việc đánh thuế dịch vụ số do những quy định và tiêu chí quốc tế trong lĩnh vực này chưa theo kịp tốc độ phát triển.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang xem xét chính sách thuế với các hãng công nghệ nước này tại Brazil, Séc, EU và Indonesia.
Thông báo của USTR được đưa ra trong bối cảnh bà Tai thúc đẩy việc bảo vệ doanh nghiệp Mỹ khỏi thuế quan đối với dịch vụ số ở quốc gia khác mà theo Washington là hành động thái quá nhằm vào những công ty như Facebook, Amazon. Mỹ kêu gọi xây dựng một bộ luật quốc tế thống nhất về thuế suất và ngăn chặn việc áp thuế tùy tiện.
Tranh chấp giữa Mỹ - quê hương của nhiều hãng công nghệ lớn nhất thế giới - và các nền kinh tế khác trên thế giới cho thấy rõ khoảng cách ngày càng lớn giữa các chính phủ trong việc đánh thuế dịch vụ số do những quy định và tiêu chí quốc tế trong lĩnh vực này chưa theo kịp tốc độ phát triển.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang tổ chức các cuộc đàm phán với sự tham gia của khoảng 140 quốc gia nhằm xây dựng các tiêu chuẩn thuế đối với dịch vụ số. Bộ trưởng tài chính của các nước G20 cũng tìm kiếm thỏa thuận về vấn đề này tại cuộc gặp dự kiến diễn ra vào tháng sau.
Để ứng phó với việc ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng thuế dịch vụ số, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 4 đã gửi đề xuất riêng về việc cải tổ chính sách thuế toàn cầu tới các quốc gia tham gia đàm phán của OECD. Trong đó, Mỹ đề xuất áp thuế với top 10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới dựa trên doanh thu của họ tại từng quốc gia bất kể họ có đặt chi nhánh tại đó hay không.
Một hệ thống như vậy sẽ chuyển trọng tâm của cuộc đàm phán về chính sách thuế toàn cầu ra khỏi các công ty công nghệ, mặc dù những doanh nghiệp như Google, Facebook và Amazon vẫn sẽ đáp ứng ngưỡng đánh thuế. Chính quyền của ông Biden cũng ủng hộ việc áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.
Những thách thức nảy sinh từ quá trình số hóa nền kinh tế toàn cầu cũng là vấn đề đau đầu đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tân Tổng giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala của WTO nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải cập nhật các quy tắc của tổ chức để phản ánh mức độ phổ biến của lĩnh vực thương mại điện tử và nền kinh tế số.
Mỹ ước tính 6 quốc gia mà họ dự kiến áp thuế trả đũa đã thu về 880 triệu USD tiền thuế từ các công ty công nghệ Mỹ mỗi năm. Ví dụ, Ấn Độ hiện áp thuế 2% đối với doanh thu từ dịch vụ thương mại điện tử của các công ty ngoại ở nước này. Theo USTR, các doanh nghiệp Mỹ phải trả ước tính 55 triệu USD tiền thuế dịch vụ số cho chính phủ nước này mỗi năm.