October 29, 2014 | 11:32 GMT+7

Trái chiều quan điểm tuổi cấp thẻ căn cước công dân

Nguyễn Lê

Có nên cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi

<strong style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Phiên thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân chiều 28/10 của Quốc hội</strong>
<strong style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Phiên thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân chiều 28/10 của Quốc hội</strong>
Nhiều đại biểu kiên trì quan điểm không cần, có vị lại cho là rất nên làm, cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi là vấn đề được đề cập đậm nét tại phiên thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân chiều 28/10 của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ cho biết có hai loại ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của dự thảo luật về việc cấp thẻ căn cước công dân ngay từ khi sinh ra và không cần cấp giấy khai sinh.

Còn theo loại ý kiến thứ hai thì chỉ quy định cấp thẻ căn cước công dân cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để bảo đảm ổn định các thông tin nhân dạng của công dân đã được quy định trong Luật Căn cước công dân. Trẻ em chưa đủ 14 tuổi thì cấp giấy khai sinh như hiện nay và quy định trong Luật Hộ tịch.

Tại phiên thảo luận sáng cùng ngày, việc vẫn cấp giấy khai sinh đã được sự đồng thuận rất cao của các vị đăng đàn.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cấp thẻ Căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi là để bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013, không có sự phân biệt công dân theo độ tuổi.

Việc này đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Việc cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi chỉ là hình thức hiện đại hóa giấy tờ khai sinh mà không làm mất quyền được khai sinh của trẻ em theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập luận.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa là giao ủy ban nhân dân cấp xã hoặc ủy ban nhân dân cấp huyện (thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định của Luật Hộ tịch) sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký khai sinh có trách nhiệm chuyển thông tin cho cơ quan quản lý căn cước công dân để cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp thẻ căn cước cho công dân theo quy định.

Tuy nhiên, giải thích này, theo một số vị đại biểu là chưa thực sự thuyết phục.

Cho rằng không cần cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy đặt vấn đề liệu có nhất thiết phải bỏ ra 650 tỷ đồng để cấp căn cước cho hơn 20 triệu người, trong khi bên cạnh thẻ này vẫn cấp giấy khai sinh.

Các đặc điểm nhận dạng của trẻ em chưa ổn định nên không cần cấp thẻ căn cước là lý do được nhiều vị đại biểu nhấn mạnh. Một số ý kiến cũng cho rằng đây là sự lãng phí lớn trong điều kiện ngân sách hiện nay.

Song, cũng có vị khẳng định cấp thẻ căn cước công dân ngay từ khi sinh ra là cuộc cải cách hành chính to lớn cần được hoan nghênh. Nhưng cần có điều khoản quy định thẻ căn cước công dân có thể thay thế cho giấy khai sinh.

Do còn quan điểm khác nhau, Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho biết sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này trước khi biểu quyết thông qua dự thảo luật trong kỳ họp này.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate