June 17, 2022 | 12:24 GMT+7

Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài sẽ kéo dài "tai tiếng" thêm 10 năm nữa?

Anh Tú -

Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài dự kiến kéo dài thời gian thu phí thêm 10 năm. Để rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn và tránh bức xúc kéo dài, kiến nghị di dời trạm về tuyến tránh Vĩnh Yên, tăng phí lên 15.000/xe/lượt hoặc trình Chính phủ mua lại dự án, đang được xem xét...

Hai phương án giải quyết tồn tại nhiều năm tại trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài đang được cân nhắc.
Hai phương án giải quyết tồn tại nhiều năm tại trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài đang được cân nhắc.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) vừa đề xuất hai phương án xử lý trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài.

Cử tri Hà Nội từ lâu bức xúc với trạm thu phí này, vì trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài được xây nhằm hoàn vốn cho dự án BOT Quốc lộ 2 tuyến tránh TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhưng nhiều năm nay vị trí trạm lại đặt trên đường Võ Văn Kiệt thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. 

Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Bộ Giao thông vận tải tổ chức họp bàn về trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài và đưa ra phương án xử lý, sau khi hàng loạt đại biểu Quốc hội vừa lên tiếng tại nghị trường vừa qua.

 

Như vậy, từ thực tế doanh thu, số thu như hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất kéo dài thời gian thu phí thêm 10 năm so với hợp đồng, tức tới năm 2035.

Cụ thể, phương án 1, đàm phán với nhà đầu tư đưa trạm thu phí lên tuyến tránh Vĩnh Yên vì hiện trạm BOT Quốc lộ 2 dừng thu phí.

Đồng thời, tăng mức phí từ 10.000 động/xe/lượt lên 25.000 đồng/xe/lượt để rút ngắn thời gian thu hoàn vốn cho dự án. Việc này phải đàm phán với nhà đầu tư và không thể dùng mệnh lệnh hành chính. 

Phương án 2, đề xuất Chính phủ dùng ngân sách nhà nước mua lại của nhà đầu tư.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm, trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài trước đây quy định là đặt đâu cũng được, thu hồi vốn để trả nhà đầu tư. Đến năm 2012, Bộ Giao thông vận tải đề nghị di dời trạm thu phí này, tuy nhiên Chính phủ không đồng ý. Vì vậy, có đầy đủ tính pháp lý cho việc đặt vị trí trạm thu phí như hiện nay.

Ngoài ra, theo hợp đồng ký kết giữa nhà đầu tư BOT và Nhà nước, ngay từ năm 2012 phải tăng mức phí thu lên 1,5 lần nhưng thực tế không tăng, gây ảnh hưởng đến doanh thu của nhà đầu tư.

Đáng lưu ý, khi cầu Nhật Tân đưa vào khai thác, doanh thu của trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài chỉ đạt 38%, tương mức mức sụt giảm 60%. Trong khi đó, theo quy định nếu sau 2–3 năm giảm doanh thu 10% liên tục, trạm BOT sẽ được điều chỉnh tăng thời gian thu phí.

Bức xúc về trạm BOT đặt nhầm chỗ nhưng chậm trễ chưa được di dời, trước đó, hàng loạt đại biểu Quốc hội chung mối quan tâm về thời điểm cụ thể dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Hiếu, Đoàn Quảng Ngãi cho hay, cách đây 2 năm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án này đang trong giai đoạn sắp kết thúc thời gian thu phí hoàn vốn. Nhưng đến nay, trạm vẫn hoạt động bình thường

Hay đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cũng cho rằng, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt là một trạm thu phí gây nhiều bức xúc cho người dân vì vị trí đặt không đúng. "Bao giờ bất cập của trạm thu phí này sẽ chính thức được dỡ bỏ?", đại biểu thẳng thắn đặt câu hỏi.

 

Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Tuyến đường do Công ty Cổ phần BOT Vietracimex 8 đầu tư với tổng số vốn 531 tỷ đồng.

Dự án chính thức thu phí từ năm 2009, dự kiến dừng thu phí vào năm 2025. Trong đó, dự án cũng dự kiến được tăng phí từ mức 10.000 đồng/lượt lên 15.000 đồng/lượt từ năm 2012. Tuy nhiên, do không được tăng phí và số lượng xe sụt giảm, thời gian thu phí dự án này phải kéo dài tới hết năm 2035.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate