Góp ý dự thảo về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của Hội đồng nhân dân TP.HCM, các hiệp hội cho rằng đề xuất xem xét giảm 50% mức phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa (tương ứng tỷ lệ kết cấu hạ tầng cảng biển) của Sở Giao thông vận tải TP.HCM là chưa hợp lý.
THU KHÔNG ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG
Lý do là bởi phương thức vận tải đường thủy sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa như đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng, khu neo đậu ngoài cảng, kè, đập giao thông và các công trình phụ trợ khác về giao thông thủy… đều do Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Nên việc TP.HCM đứng ra thực hiện thu phí này là chưa đúng với các quy định pháp luật.
Hơn nữa, trong thực tế, phương tiện vận tải bằng đường thủy không sử dụng kết cấu hạ tầng công cộng, công trình dịch vụ trong khu vực cửa khẩu cảng biển, phương tiện thủy nội địa thường nhỏ, mớn nước thấp chỉ từ 3m đến 6,5m nên chỉ sử dụng tuyến luồng tự nhiên.
“Do đó, đề xuất giảm 50% mức phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa như Dự thảo là vẫn chưa thỏa đáng và việc thu phí này là hoàn toàn không đúng đối tượng”, các hiệp hội nêu rõ.
Với quan điểm như vậy, các Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể đối với các địa phương liên quan trong việc ban hành, thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng thống nhất trên toàn quốc, phù hợp quy định pháp luật và đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm chi phí dịch vụ logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế quốc gia.
Cùng với đó, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP.HCM xem xét không thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển đối với phương tiện, hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa do không sử dụng kết cấu hạ tầng của địa phương.
QUY ĐỊNH KHÔNG HỢP LÝ, DOANH NGHIỆP PHẢI CHUYỂN ĐI NƠI KHÁC
Liên quan tới thu phí hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, Dự thảo cho rằng mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM đối nhóm hàng này là phù hợp, đảm bảo tương đồng trên cơ sở so sánh với mức thu phí của TP Hải Phòng.
Tuy nhiên, theo các hiệp hội, hàng chuyển tải, chuyển khẩu này là hàng chính ngạch, có khai báo hải quan đầy đủ, giá trị không lớn và hoàn toàn khác với đặc điểm hàng hóa chuyển tải, chuyển khẩu từ khu vực Hải phòng đi các tỉnh biên giới (chủ yếu là hàng tiểu ngạch, có giá trị cao và vận chuyển bằng đường bộ có sử dụng hạ tầng giao thông).
“Vì vậy, việc tham khảo để áp dụng mức phí thu đối với hàng chuyển tải, chuyển khẩu của khu vực Hải Phòng cho hàng hóa chuyển tải, chuyển khẩu tại TP.HCM là không phù hợp”, các hiệp hội nêu quan điểm.
Hơn nữa, các hàng hóa chuyển tải, chuyển khẩu bằng đường thủy được bốc dỡ từ tàu biển rồi xếp lên sà lan/tàu sông để chuyển đi, không vào nội địa, không sử dụng hạ tầng cảng biển. Vì vậy thu phí hạ tầng giao thông chỉ phù hợp áp dụng đối với các hàng hóa từ các tỉnh lân cận và TP.HCM sử dụng đường bộ giao/nhận hàng.
Hiện nay, lượng hàng chuyển tải, chuyển khẩu đi Campuchia, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh thành trên cả nước như Hải phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn chỉ khoảng 40.000 Teus/năm, chiếm khoảng 0,6% tổng lượng hàng thông qua khu vực cảng TP.HCM.
Nếu vẫn áp dụng mức thu phí cho hàng chuyển tải, chuyển khẩu khu vực TP.HCM, chi phí sẽ tăng cao và các hãng tàu, chủ hàng sẽ không sử dụng cảng khu vực TP.HCM để làm nơi chuyển tải và sẽ chuyển sang Singapore, Thái Lan và Sihanoukville.
Như vậy, nếu thu không đúng đối tượng dẫn đến nguồn thu không được là bao mà các doanh nghiệp mất nguồn thu, mất công ăn việc làm.
“Do đó, với các lý do trên đây, các hiệp hội doanh nghiệp khẩn thiết kiến nghị quý các cơ quan tiếp tục xem xét không thu phí đối với hàng tạm nhập – tái xuất, hàng quá cảnh được vận chuyển phương tiện thủy”, các hiệp hội bày tỏ.