August 14, 2015 | 10:38 GMT+7

Tranh cãi tăng lương 2016: Không ngã ngũ thì Chủ tịch quyết

Lý Hà

Mức lương tối thiểu năm 2016 sẽ được điều chỉnh tăng 10%, 11% hay 12%?

Trong trường hợp các bên không thể đưa ra tiếng nói chung sau nhiều cuộc họp, thì theo quy chế, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ quyết định lựa chọn phương án cuối cùng.<br>
Trong trường hợp các bên không thể đưa ra tiếng nói chung sau nhiều cuộc họp, thì theo quy chế, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ quyết định lựa chọn phương án cuối cùng.<br>
Nếu các bên liên quan không tìm được tiếng nói chung về phương án tăng lương tối thiểu, thì Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ ra quyết định cuối cùng.

Đó là thông tin từ ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, sau những tranh luận gần đây về việc tăng lương tối thiểu.

Ai cũng có lý

Cuộc họp mới đây của Hội đồng Tiền lương Quốc gia được cho là khá căng thẳng nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết. Ông đánh giá gì về kết quả cuộc họp này?

Tại cuộc họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 5/8 vừa qua, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng, tôi không trả lời báo chí những vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu.

Nay, tôi muốn nhấn mạnh rằng, cuộc họp đó đã đạt được một số kết quả tốt. Đó là sự đồng thuận của các bên bởi sau khi cân nhắc các yếu tố đều cho rằng, năm 2016 nên tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu.

Chúng ta thường nghĩ, việc giải quyết tiền lương tối thiểu trong một cuộc họp là xong? Đây là vấn đề rất nhạy cảm và dành được sự quan tâm của nhiều người nên họp một lần, trong một ngày chưa xong là bình thường.

Hiện tại, các bên chưa gặp nhau về mức điều chỉnh tiền lương do bên nào cũng cho rằng, các mức đưa ra chưa hợp lý, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.

Trước hết, nói về phương án của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Phương án này đưa ra dựa trên nhu cầu và mức sống tối thiểu của người lao động. Tôi cho rằng, những lý lẽ của Tổng liên đoàn Lao động là phù hợp.

Hiện nay, đội ngũ người lao động ở nhiều nơi thu nhập đang còn thấp, cuộc sống tuy được cải thiện hơn nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình đó, Chính phủ  đã có chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tìm các biện pháp để nâng cao đời sống cho người lao động ở thành phố có đông khu công nghiệp.

Nếu nhìn vào thực tế đời sống của người lao động thì chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.

Ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã và các hiệp hội... cũng là hợp lý khi cho rằng, mức lương này cần đảm bảo để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, doanh nghiệp đã thay mặt người lao động đóng rất nhiều khoản chi phí như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Không ngã ngũ thì Chủ tịch quyết

Các bên đều có lý lẽ riêng, còn đại diện cho Chính phủ là Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đưa ra mức điều chỉnh như thế nào, thưa ông?

Năm nay, tôi đã chỉ đạo bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia phải căn cứ trên các yếu tố thực tế để đưa ra các phương án phù hợp cho các bên, bởi mỗi bên đều có cái lý của mình.

Cụ thể, các thành viên kỹ thuật của Hội đồng đưa ra ba phương án, khác với năm ngoái chỉ có hai phương án. Đây cũng chính là kênh cung cấp thêm thông tin cho các bên xem xét.

Về phía Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đưa ra mức cao nhất là tăng 550.000 đồng/tháng, còn mức thấp nhất vùng 4 đề nghị là 150.000 đồng/tháng. Qua quá trình thương lượng đã dịch chuyển lên mức khoảng 250.000 - 300.000 đồng.

Sau khi phân tích, chúng tôi nhận thấy, về phía người sử dụng lao động dù có nhiều áp lực nhưng việc điều chỉnh tăng lương cao hơn cho người lao động cũng là khuyến khích, động viên họ nhằm tăng nâng cao năng suất, mang lại hiệu quả hơn cho quá trình hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Trong quá trình đàm phán, người sử dụng lao động đã có nhân nhượng, tăng từ 7% lên 10%. Còn đại diện người lao động cho rằng, mức 10% vẫn chưa chấp nhận được, nên trong cuộc họp tới, các bên sẽ tranh luận tiếp.

Do đặc thù của năm 2016, việc điều chỉnh lương tối thiểu cần phải tính đến một số chính sách mới như bảo hiểm xã hội. Các doanh nghiệp đang rất lo lắng khi tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cộng việc tăng lương tối thiểu là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Chính vì thế, người sử dụng lao động đề nghị Hội đồng Tiền lương Quốc gia tạm dừng để về tính toán, đề xuất phương án điều chỉnh tiền lương hợp lý, phù hợp cho các bên.

Tôi tin, qua quá trình phân tích, đánh giá kỹ, các bên sẽ đưa ra mức điều chỉnh tiền lương có thể chấp nhận được.

Với diễn biến như vậy, mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu là bao nhiêu sẽ làm hài lòng cả hai bên? Nếu không thống nhất được thì sao?

Hiện nay, bộ phận kỹ thuật đưa ra ba phương án cho các bên là 10%, 11% và 12%. Dự kiến sau khoảng nửa tháng nữa, cuộc họp mới được nối lại.

Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không thể đưa ra tiếng nói chung sau nhiều cuộc họp, thì theo quy chế, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ quyết định lựa chọn phương án cuối cùng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate