August 29, 2022 | 09:59 GMT+7

Tranh cãi về tốc độ, lộ trình đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sắp "ngã ngũ"?

Anh Tú -

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất phương án đầu tư xây dựng tối ưu tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, nhất là tốc độ, hình thức vận chuyển, lộ trình thực hiện...

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Bộ Giao thông vận tải đề xuất chỉ chở khách và hàng hóa nhẹ với vận tốc 350km/h, với tổng vốn đầu tư "khổng lồ" 58,7 tỷ USD.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Bộ Giao thông vận tải đề xuất chỉ chở khách và hàng hóa nhẹ với vận tốc 350km/h, với tổng vốn đầu tư "khổng lồ" 58,7 tỷ USD.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 265/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW ngày 17/9/2008 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam tầm nhìn đến năm 2050 (đề án).

Để đảm bảo chất lượng đề án, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan, doanh nghiệp tại cuộc họp, hoàn thiện đề án, bao gồm báo cáo tổng kết, dự thảo tờ trình Bộ Chính trị, dự thảo kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên tinh thần đổi mới phương pháp tiếp cận vấn đề, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cần đánh giá trung thực, phân tích kỹ những tồn tại, nguyên nhân, định lượng cụ thể về những việc đã làm được, chưa làm được nhằm nêu bật kết quả việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị. 

Trên cơ sở đó, bên cạnh định hướng phát triển, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể phải xác định thời hạn hoàn thành, cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện để tập trung bố trí nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, rõ trách nhiệm trong phát triển giao thông vận tải đường sắt thời gian tới.

Trong đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung ba nội dung.

Thứ nhất, về đường sắt tốc độ cao, "Bộ Giao thông vận tải khẩn trương làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước để phân tích, so sánh, thống nhất lựa chọn, đề xuất phương án đầu tư xây dựng tối ưu, nhất là tốc độ và hình thức vận chuyển, lộ trình, thời gian chuẩn bị, thực hiện, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị.

Sau 12 năm kể từ lần Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam năm 2010, đến nay, những tranh luận trái chiều về phương án tốc độ vẫn chưa "ngã ngũ".

Bộ Giao thông vận tải từng đề xuất quan điểm đầu tư đường sắt tốc độ cao chỉ chở khách và hàng hóa nhẹ với vận tốc 350km/h. Theo đó, sẽ nâng cấp đường sắt hiện hữu khổ 1.000mm chủ yếu để chạy tàu hàng. Đáng lưu ý, theo đề xuất của bộ này sẽ xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao 350km/h, chỉ chở khách và không chở hàng.

 

Bộ Giao thông vận tải từng đề xuất lộ trình xây dựng đường sắt tốc độ cao theo 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư "khổng lồ" 58,7 tỷ USD, khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương số thu ngân sách trung bình một năm của Việt Nam.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án khai thác tàu khách kết hợp tàu chở hàng, vận tốc 200km/h.

Tuy nhiên, phản bác đề xuất trên, đơn vị tư vấn cho rằng nếu đường sắt chạy với tốc độ 160 - 200km/h thì không là công nghệ đường sắt tốc độ cao, bởi tối thiểu phải trên 250km/h.

Thứ hai, về đường sắt đô thị, đánh giá kỹ việc triển khai đầu tư xây dựng đường sắt đô thị thời gian qua.

Trên cơ sở đó, đề xuất rõ thời hạn hoàn thành mạng đường sắt đô thị cùng với việc đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện cụ thể.

Thứ ba, về đường sắt kết nối cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế và các đầu mối vận tải như tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối TP. Hồ Chí Minh với cảng hàng không quốc tế Long Thành..., Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa nguồn lực địa phương, tư nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate