September 12, 2024 | 15:46 GMT+7

Tranh luận trước bầu cử tổng thống Mỹ: Tăng sản lượng dầu thành vấn đề “nóng”

Ngọc Trang -

Việc tăng sản lượng dầu vẫn là một chủ đề “nóng” trong cuộc tranh luận trước thềm bầu cử của hai ứng viên tổng thống Donald Trump và Kamala Harris tối ngày 10/9...

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ đêm ngày 10/9 - Ảnh: Getty Images
Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ đêm ngày 10/9 - Ảnh: Getty Images

Trong cuộc tranh luận, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, người trước đây từng bị chỉ trích vì lập trường phản đối hoạt động khai thác dầu đá phiến, nhấn mạnh rằng bà là chủ tọa ở Thượng Viện trong cuộc bỏ phiếu phá vỡ tình trạng bỏ phiếu hòa (tie-breaking vote) về việc mở các hợp đồng khai thác dầu đá phiến mới vào năm 2022. Dù liên tục nhấn mạnh mình ủng hộ các giải pháp năng lượng sạch, bà cũng thừa nhận rằng dưới chính quyền tổng thống Joe Biden, Mỹ sản xuất nhiều hơn mọi quốc gia trong lịch sử.

MỸ CÓ CẦN THÊM DẦU?

Trong khi đó, ông Trump, người kiên định lập trường ủng hộ việc tăng nhanh sản lượng dầu, chỉ trích các đề xuất chính sách của bà Harris sẽ “hủy hoại” ngành kinh doanh nhiên liệu hóa thạch Mỹ.

“Nếu bà ấy thắng cử, vào ngày sau cuộc bầu cử, họ sẽ hủy hoại đất nước và ngành dầu khí sẽ chết. Nhiên liệu hóa thạch sẽ chết”, ông Trump nói.

Ông Trump cũng nói rằng: “Bà ấy đang dự kịnh cấm hoạt động khai thác dầu đá phiến ở Pennsylvania hoặc các nơi khác” – một cáo buộc mà bà Harris phủ nhận.

Trong cuộc phỏng vấn vào ngày 11/9 với hãng tin CNN, ông Andy Lipow, chủ tịch Lipow Oil Associates, nhận định ông Trump "hoàn toàn không phải lo lắng" đến việc ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch có thể bị hủy hoại vì người Mỹ hiện vẫn phụ thuộc vào dầu để sản xuất xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay.

“Bên cạnh đó, chỉ riêng việc chấm dứt hoạt động khai thác dầu đá phiến, chưa nói tới việc chấm dứt toàn bộ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, sẽ là hành động tự chuốc lấy thất bại của một chính trị gia, bởi điều này sẽ khiến giá xăng tăng vọt và khiến cử tri tức giận", ông Lipow phân tích.

Theo hãng tin CNN, dù cả hai ứng viên đều nói về việc thúc đẩy sản lượng dầu, không chắc nước Mỹ hiện có cần thêm dầu hay không. Trong khi theo các nhà khí hậu học, điều này hoàn toàn ngược lại với những gì Trái Đất cần.

Giá dầu thô tại Mỹ neo ở mức dưới 66 USD/thùng ngày 10/9, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021, sau đó tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 11/9.

Theo AAA, giá xăng tại Mỹ hiện thấp nhất 6 tháng. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức liên minh OPEC+, đang lo ngại về tình trạng dư cung dầu trong khi nhu cầu ở Trung Quốc suy yếu. Điều này khiến OPEC+ trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu.

KHÔNG DỄ TĂNG THÊM SẢN LƯỢNG

Theo dữ liệu liên bang hàng tuần, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 13,4 triệu thùng/ngày.

Ông Lipow cho rằng “rất khó” để đưa sản lượng dầu của Mỹ tăng vượt 14 triệu thùng/ngày bởi hầu như tất cả các mỏ dầu hiệu quả và rẻ nhất đều đã được khai thác.

“Đúng là sản lượng có thể tăng. Nhưng liệu chúng ta có thể tăng thêm 50%? Khó mà xảy ra”, ông Lipow nói.

Ông Bob McNally, chủ tịch Rapidan Energy Group, cũng hoài nghi về việc Mỹ có thể tiếp tục tăng sản lượng.

“Theo quy định, tổng thống không có quyền thúc đẩy nhanh sản lượng dầu của Mỹ. Ngành này đang vận hành toàn lực rồi”, ông McNally, từng là cố vấn năng lượng của cựu Tổng thống George W. Bush. “Các tổng thống làm điều ngược lại. Họ có thể khiến sản lượng giảm đột ngột. Tuy nhiên, tôi cho rằng bà Kamala Harris sẽ không làm điều đó”.

Những tuần gần đây, ông Trump nhiều lần nói rằng giá xăng từng thấp hơn 2 USD/gallon khi ông còn là tổng thống và hứa sẽ đưa giá xăng về mức đó nếu ông tái đắc cử.

Tuy nhiên, lần gần nhất khi giá xăng ở mức dưới 2 USD/gallon là nền kinh tế thế giới đang suy thoái do mọi hoạt động bị gián đoạn trong đại dịch Covid-19. Khi đó, hoạt động đi lại bị hạn chế, khiến nhu cầu nhiên liệu sụt giảm trầm trọng. Thậm chí có thời điểm giá dầu lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức âm khi các công ty chật vật tìm nơi cất trữ dầu dư thừa.

Trước đại dịch, lần gần nhất giá xăng dưới 2 USD/gallon là vào năm 2016, khi Mỹ tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch mạnh đến mức gây ra tình trạng dư thừa xăng dầu, dẫn tới làn sóng phá sản doanh nghiệp. Xa hơn, giá xăng ở mức dưới 2 USD là trong khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Có thể thấy, giá xăng ở Mỹ thường giảm xuống dưới 2 USD khi xảy ra một sự kiện cực đoan hoặc nghiêm trọng nào đó. Nói cách khác, tổng thống tiếp theo của Mỹ có thể hứa bất kỳ điều gì mình muốn như tăng cấp phép khai thác hoặc mở rộng phạm vi khai thác, nhưng điều đó không có nghĩa là phần sản lượng tăng thêm đó luôn tìm được thị trường tiêu thụ. Do đó, về mặt kinh tế, không phải doanh nghiệp Mỹ nào cũng muốn tận dụng cơ hội này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate