Giá dầu thế giới đang trên đà lao dốc. Liên minh OPEC+ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối đang loay hoay tìm cách ngăn đà sụt giảm của giá dầu. Trong khi đó, giá xăng ở Mỹ đang giảm nhanh và được dự báo sẽ còn giảm sâu hơn trong thời gian tới.
Tuần vừa rồi, giá xăng ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng là 3,31 USD/gallon (tương đương khoảng 21.690 đồng/lít), giảm 0,5 USD/lít so với cùng kỳ năm ngoái - theo dữ liệu từ AAA.
Giá xăng bình quân ở 10 tiểu bang, gồm Texas, Kentucky và Kansas, thậm chí đã giảm dưới 3 USD/gallon. Ông Andy Lipow, Chủ tịch công ty tư vấn Lipow Oil Associates dự báo sẽ có thêm 9 tiểu bang nữa gia nhập danh sách những bang có giá xăng bình quân dưới 3 USD/gallon trong 2 tuần tới.
Theo chuyên gia Patrick De Haan của trang GasBuddy, đến khoảng lễ Tạ ơn năm nay, sẽ có 35-40 bang Mỹ có giá xăng bình quân dưới 3 USD/gallon (khoảng 19.660 đồng/lít). “Sau hơn 2 năm đắt đỏ vì những yếu tố bên ngoài như đại dịch Covid-19 và chiến tranh Nga-Ukraine, giá xăng cuối cùng đã quay trở lại mức cân bằng”, ông De Haan phát biểu.
Giá xăng giảm nhanh sẽ giúp giảm áp lực tài chính đối với người tiêu dùng Mỹ và đóng góp vào tiến trình giảm lạm phát ở nước này. Từ đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất dễ dàng hơn, và người Mỹ sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn khi đi vay.
Nếu duy trì, xu hướng này sẽ có lợi cho Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng giá xăng có thể sẽ là một yếu tố quyết định kết quả cuộc bầu cử, và giá xăng rẻ hơn sẽ có lợi hơn cho Đảng Dân chủ đang cầm quyền.
Trao đổi với trang CNN Money, nhiều nhà phân tích cho rằng giá xăng dầu có thể sẽ tiếp tục giảm, cho dù OPEC+ có thay đổi chiến lược sản lượng đi chăng nữa. Thị trường dầu đang yếu tới mức những nỗ lực cứu giá dầu của OPEC+ khó phát huy tác dụng.
Đối mặt với sự suy yếu của nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc và sản lượng dầu liên tiếp lập kỷ lục ở Mỹ, OPEC+ vào hôm thứ Năm vừa rồi đã từ bỏ kế hoạch nâng sản lượng trở lại bắt đầu từ ngày 1/10.
“Tâm trạng trên thị trường dầu vẫn đang rất u ám… Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến áp lực giảm giá ở trạm bán xăng trong những tuần tới”, Chủ tịch Bob McNally của công ty Rapidan Energy Group nhận định.
Dù vậy, tâm lý của các nhà giao dịch có thể thay đổi rất nhanh chóng. Chẳng hạn, nếu bạo lực leo thang ở Trung Đông, dẫn tới gián đoạn dòng chảy dầu thô, hoặc chiến tranh Nga-Ukraine tăng nhiệt, giá dầu có thể nhanh chóng tăng trở lại, kéo giá bán lẻ xăng tăng theo.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, cựu Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ đưa giá xăng ở Mỹ về mức rất thấp. “Chúng ta sẽ có mức giá xăng dưới 2 USD/gallon”, ông Trump phát biểu hôm thứ Năm ở New York.
Tuy nhiên, một số chuyên gia hoài nghi về tuyên bố này của ông Trump, đồng thời cảnh báo đó sẽ là tin xấu nếu lời hứa này của vị ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa trở thành hiện thực.
“Nói thì dễ, làm mới khó”, trưởng phân tích Tom Kloza của công ty Oil Price Information Service nhạn định. “Nói về giá xăng 2 USD/gallon chỉ là cường điệu. Mức giá xăng như vậy chỉ xuất hiện khi có những điều rất tồi tệ xảy ra trong nền kinh tế”.
Ông Lipow đồng tình với quan điểm này, nói rằng “phải xảy ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên thế giới, bao gồm ở Mỹ” khiến nhu cầu giảm sâu, thì giá xăng ở Mỹ mới có thể giảm dưới 2 USD/gallon.
Trong bài phát biểu hôm thứ Năm, ông Trump cam kết sẽ “chấm dứt cuộc viễn chinh chống lại năng lượng” hóa thạch của bà Harris. Nhưng trên thực tế, sản lượng dầu thô của Mỹ hiện đang cao hơn ở bất kỳ thời điểm nào trong nhiệm kỳ của ông Trump.
Gần đây, sản lượng dầu của Mỹ đạt kỷ lục mọi thời đại 13,4 triệu thùng/ngày - theo dữ liệu thống kê hàng tuần của Chính phủ liên bang. Thời ông Trump, mức đỉnh của sản lượng khai thác dầu ở Mỹ là 13,1 triệu thùng/ngày.
Ông Trump cũng nhấn mạnh việc giá xăng ở Mỹ giảm về mức 1,87 USD/gallon trong nhiệm kỳ của ông. Tuy nhiên, đó là thời điểm mùa xuân năm 2020, khi Covid-19 mới trở thành đại dịch và gây ra một cú sụt giảm chóng mặt trong nhu cầu tiêu thụ năng lượng.