May 27, 2025 | 13:56 GMT+7

Tránh rủi ro từ chính sách thuế của Hoa Kỳ, nông sản Việt cần khẩn trương tiếp cận thị trường Halal

Chương Phượng -

Trong bối cảnh xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang Hoa Kỳ (thị trường chiếm gần 22% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024) đang gặp nhiều khó khăn thách thức do thay đổi chính sách thuế của nước này, việc chuyển hướng mở cửa sang các thị trường khác là hết sức cấp bách. Trong đó, Halal và khu vực Trung Đông luôn được nhắc tới như một “miền đất hứa” cho nông sản Việt Nam…

Nông sản Việt trên các kệ hàng hoá tại Trung Đông.
Nông sản Việt trên các kệ hàng hoá tại Trung Đông.

Với dân số theo đạo Hồi chiếm hơn 25% dân số toàn cầu, Trung Đông từ lâu được đánh giá là “miền đất hứa” cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, dấu ấn của hàng nông sản Việt tại khu vực này vẫn còn mờ nhạt.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Đông chỉ đạt khoảng gần 1 tỷ USD, chiếm chưa đầy 2% tổng kim ngạch nông sản cả nước. Các mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, hạt điều, rau quả chủ yếu xuất khẩu qua trung gian, phần lớn chưa đáp ứng tiêu chuẩn Halal – yếu tố bắt buộc với thị trường Hồi giáo.

SẢN PHẨM HALAL ĐANG TRỞ THÀNH XU HƯỚNG TIÊU DÙNG TOÀN CẦU

Hiện đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tiên phong tạo dấu ấn tại thị trường Halal. Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) đã xây dựng riêng nhà máy đạt chuẩn Halal tại Ninh Bình để chế biến dứa, xoài đông lạnh xuất sang UAE và Oman.

Trong khi đó, Công ty Hùng Vương Group (TP.HCM) đã xuất khẩu thành công cà phê rang xay vào chuỗi siêu thị Carrefour tại Qatar, sau khi hoàn tất chứng nhận Halal từ tổ chức được nhiều quốc gia Trung Đông công nhận.

Một bước ngoặt quan trọng là việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (CEPA) được ký kết ngày 28/10/2024 tại Dubai, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Mohammed bin Rashid Al Maktoum.

Theo nội dung cam kết, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 99% kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam; Việt Nam cũng cam kết cắt giảm thuế cho 98,5% hàng hóa nhập từ UAE. Đây là nền tảng quan trọng để hàng Việt mở rộng hiện diện tại thị trường Trung Đông nói chung.

 

"Tình trạng thiếu các trung tâm trung chuyển Halal trong nước khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó trong việc kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng – từ nguyên liệu, chế biến, đến lưu kho đông lạnh khi xuất khẩu nông sản, thuỷ sản sang thị trường Trung Đông".

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc marketing Văn phòng Chứng nhận Halal - HCA Việt Nam.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thị trường Trung Đông không đặt ra tiêu chuẩn kỹ thuật quá khắt khe như EU hay Mỹ, trong khi thủ tục thông quan lại đơn giản hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, nếu coi Halal là chiến lược dài hơi, thì cần sự vào cuộc đồng bộ từ chính sách, hệ thống logistics, xúc tiến thương mại đến tư duy đầu tư bài bản của doanh nghiệp.

Ông Nguyên cho rằng thị trường Halal không còn là một “ngách nhỏ” mà đang trở thành xu hướng tiêu dùng toàn cầu. Nếu chuẩn bị đầy đủ và chuyên nghiệp, đây sẽ là "cánh cửa lớn" để nông sản Việt vươn ra thế giới.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc marketing Văn phòng Chứng nhận Halal - HCA Việt Nam, cho biết dân số Hồi giáo tăng nhanh tại Trung Đông và châu Phi đang mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt như gạo, hạt điều, trái cây, gia vị và thực phẩm chế biến sẵn.

Các thị trường như UAE và Ả Rập Saudi có nhu cầu nhập khẩu lớn, nhưng để cạnh tranh với các quốc gia như Ấn Độ và Brazil, doanh nghiệp Việt cần có chứng nhận Halal từ tổ chức uy tín và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo và Hằng, thị trường Halal toàn cầu được dự báo đạt giá trị chi tiêu hơn 1.900 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, hàng nông sản khí vào thị trường này, bên cạnh rào cản về tín ngưỡng và kỹ thuật, logistics cũng là một điểm nghẽn lớn. Hiện phần lớn hàng tươi sống, đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang UAE đều phải trung chuyển qua Singapore hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, làm tăng chi phí vận chuyển từ 15–20%.

CHỨNG NHẬN HALAL: “TẤM VÉ THÔNG HÀNH” TẠI TRUNG ĐÔNG

Để nông sản tiếp cận hệ thống phân phối lớn tại UAE, Qatar hay Ả Rập Xê Út, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn Halal nghiêm ngặt theo từng quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 40 tổ chức được phép cấp chứng nhận Halal, khiến nhiều doanh nghiệp phải thuê dịch vụ từ Malaysia hoặc Singapore, vừa tốn kém, vừa mất thời gian.

Khi xuất khẩu sang các nước Hồi giáo, đặc biệt là Trung Đông và châu Phi, nông sản Việt Nam bắt buộc phải có chứng nhận Halal – một điều kiện tiên quyết để tiếp cận thị trường. Theo báo cáo của Công ty Verified Market Research, thị trường thực phẩm và đồ uống Halal tại hai khu vực này được định giá 60 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 110 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,87% mỗi năm.

Thực phẩm Halal là sản phẩm tuân thủ các quy định ăn uống nghiêm ngặt của đạo Hồi, tránh các thành phần và cách chế biến bị cấm như thịt heo và rượu. Chứng nhận Halal đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn tôn giáo và vệ sinh, đồng thời được sản xuất trong chuỗi cung ứng minh bạch, đạo đức.

"Chứng nhận Halal không chỉ đảm bảo tuân thủ quy định pháp lý mà còn là yếu tố cốt lõi xây dựng niềm tin với người tiêu dùng Hồi giáo. Đối với họ, tiêu dùng sản phẩm Halal là một phần trong đức tin tôn giáo", bà Hằng lưu ý; đồng thời cho biết các sản phẩm Halal cũng ngày càng được nhóm khách hàng không theo đạo Hồi ưa chuộng, nhờ đảm bảo chất lượng và vệ sinh.

Với chuỗi cung ứng Halal toàn cầu đang phát triển mạnh, nhu cầu về nguyên liệu Halal ngày càng lớn. Việt Nam có lợi thế cung cấp nguyên liệu đầu vào như gạo, hạt điều, trái cây... cho các nhà máy trên toàn thế giới. Khi đạt chứng nhận Halal, nông sản Việt không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường, mà còn có lợi thế cạnh tranh rõ nét khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chứng nhận Halal còn giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng uy tín sản phẩm, thu hút cả người tiêu dùng Hồi giáo lẫn phi Hồi giáo. Ngoài ra, quá trình đạt chứng nhận cũng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa sản xuất và tạo nền tảng hợp tác với các đối tác quốc tế.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là hạn chế trong hiểu biết về văn hóa tiêu dùng Hồi giáo, khiến chiến lược sản phẩm và marketing chưa hiệu quả. Tiếp đến, quy trình cấp chứng nhận Halal lại phức tạp, không đồng nhất giữa các quốc gia, đòi hỏi doanh nghiệp phải xin chứng nhận từ nhiều tổ chức khác nhau, gây tốn kém chi phí và thời gian. Bên cạnh đó, ngành chế biến thực phẩm còn thiếu nhân lực am hiểu tiêu chuẩn Halal và nguồn nguyên liệu đạt chuẩn vẫn còn hạn chế.

Để vượt qua những thách thức này, bà Hằng khuyến nghị doanh nghiệp cần đầu tư đào tạo, nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn Halal và văn hóa tiêu dùng Hồi giáo. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống quản lý phù hợp với các yêu cầu Halal, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc hợp tác với các nhà cung cấp nguyên liệu Halal uy tín sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo chất lượng đồng nhất và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.

Ngoài ra, phát triển các chiến lược marketing phù hợp, tận dụng kênh bán hàng chuyên biệt như hội chợ Halal, sàn thương mại điện tử và nền tảng B2B sẽ giúp kết nối trực tiếp với đối tác quốc tế và mở rộng thị trường.

“Mặc dù chứng nhận Halal hiện chủ yếu áp dụng cho sản phẩm chế biến như đồ hộp, bánh kẹo, nước giải khát, thủy hải sản… nhưng với văn hóa tiêu dùng của người Hồi giáo, Halal gần như là yêu cầu bắt buộc cho mọi loại sản phẩm,” bà Hằng nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate