Phát biểu tại Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam", do Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tổ chức ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết trong nhiều năm qua, các sản phẩm, dịch vụ Halal ngày càng trở nên phổ biến. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp thế giới từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, từ các nền kinh tế phát triển đến đang phát triển.
Hiểu được những tiềm năng của Việt Nam, trong những năm qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động xây dựng các quy định quốc gia về Halal gồm các tiêu chuẩn về thực phẩm Halal, về sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và giết mổ động vật theo Halal. Trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công Nghệ đã công bố quy chuẩn quốc gia về tổ chức chứng nhận Halal.
Trong năm 2024, Bộ đã chỉ đạo thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia và xây dựng tiêu chuẩn TCQG14230:2024 "Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo - Các yêu cầu" để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch Hồi giáo tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị, đóng góp vào phát triển ngành Halal tại Việt Nam.
Bộ trưởng cũng bày tỏ hy vọng hợp tác với các đối tác nước ngoài để giúp các doanh nghiệp và cơ quan tại Việt Nam xây dựng một ngành Halal phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các đại biểu trong nước và quốc tế đánh giá cao các tiềm năng, thế mạnh và chiến lược của Việt Nam trong việc tích cực tham gia vào thị trường Halal toàn cầu.
Thông tin tại sự kiện, ông Mohamed Jinna, Chủ tịch Cơ quan Halal Ấn Độ, cho biết thị trường Halal toàn cầu hiện có quy mô với hơn 2 tỷ người Hồi giáo và đã ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm lên tới 20-30%.
Nền kinh tế Halal dự kiến đạt 7.700 tỷ USD vào 2025 và tăng lên 10.000 tỷ USD trước 2030. Trong đó, dân số Hồi giáo dự báo đạt gần 3 tỷ người vào 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu.
Mức chi tiêu, sử dụng sản phẩm Halal của các nước Hồi giáo có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng phạm vi ngoài quốc gia theo đạo Hồi do những sản phẩm này đòi hỏi phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về quy trình sản xuất và vệ sinh để được cấp chứng nhận.
Ông Jinna đánh giá, Việt Nam đang đứng trước “ngưỡng cửa tương lai” khi tiếp cận một thị trường Halal toàn cầu “đang rộng mở”, trong đó chứng nhận Halal sẽ là “cây cầu” để Việt Nam tiếp cận một thị trường trải dài trên nhiều ngành công nghiệp khác nhau như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, du lịch..
“Việc phát triển hệ sinh thái Halal toàn diện trong nước sẽ tạo ra xung lực mới cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, giúp tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động… Với một chiến lược đúng đắn, Việt Nam có thể trở thành trung tâm thương mại và du lịch lớn của hệ sinh thái Halal toàn cầu”, ông Jinna nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Tổng thư ký Viện Tiêu chuẩn và Đo lường các quốc gia Hồi giáo (SMIIC) Ihsan Ovut cũng đánh giá cao sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam, tiềm năng của Việt Nam trong phát triển ngành du lịch Halal, thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm Halal.
Theo Chủ tịch Trung tâm Chứng nhận Halal Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Moteb Al-Mezani, chứng nhận sản phẩm nói chung, trong đó có chứng nhận Halal, là sự thể hiện cao nhất của niềm tin đối với chất lượng sản phẩm.
Ông bổ sung rằng chủ trương phát triển ngành Halal của Việt Nam phù hợp với lợi ích, định hướng phát triển quan hệ hợp tác của các nước vùng Vịnh, thể hiện qua thỏa thuận hợp tác vừa được ký kết giữa Trung tâm Chứng nhận Halal Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia.
Để đạt được mục tiêu xây dựng hệ sinh thái Halal trong nước, các chuyên gia tại sự kiện khuyến nghị Việt Nam cần tập trung vào một số nhóm biện pháp chính gồm hỗ trợ kết nối địa phương, doanh nghiệp với các đối tác, thị trường Halal toàn cầu trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược và mỹ phẩm; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý nhà nước về Hala; đẩy mạnh hoạt động sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển bền vững.