June 07, 2022 | 07:00 GMT+7

Trao cơ chế đặc thù cho 5 dự án giao thông trọng điểm, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải cá thể hóa trách nhiệm

Ánh Tuyết -

5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia đều được đề xuất áp dụng hàng loạt cơ chế đặc thù, "phá rào" nhiều quy định hiện hành. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, trao quyền nhiều phải cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của người đứng đầu...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 6/6 (Ảnh: quochoi.vn).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 6/6 (Ảnh: quochoi.vn).

Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang và TP. Hải Phòng về chủ trương đầu tư các dự án giao thông trọng điểm gồm: công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1) và dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngay trong một kỳ họp, Quốc hội phải xem xét 5 dự án quan trọng quốc gia.

Ghi nhận sự công phu, cầu thị của Chính phủ khi chuẩn bị các dự án, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hồ sơ dự án trình Quốc hội có sự khác biệt rất lớn so với hồ sơ dự án Chính phủ xây dựng lần đầu.

Cùng với đó, các cơ quan có sự bàn bạc kỹ lưỡng, nhiều vòng để đi đến đồng thuận cao để có được hồ sơ dự án với chất lượng tốt nhất trình Quốc hội.

Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang và TP. Hải Phòng (Ảnh: quochoi.vn).
Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang và TP. Hải Phòng (Ảnh: quochoi.vn).

Chủ tịch Quốc hội cho biết, các dự án xem xét lần này đều được Chính phủ trình Quốc hội cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù khác với các quy định hiện hành.

Cụ thể, thứ nhất, Luật Ngân sách nhà nước không có quy định về dùng ngân sách cấp này chi cho ngân sách cấp kia.

Trong khi đường cao tốc thuộc trách nhiệm của Trung ương, đường song hành vành đai thuộc trách nhiệm của địa phương.

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn về ngân sách, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng cả vốn Trung ương và vốn địa phương để thực hiện các dự án, song tỷ lệ tham gia của từng địa phương không quy định cứng mà tùy tình hình địa phương. Chủ tịch Quốc hội cho rằng điều này là phù hợp bởi “tình thế đặc biệt đòi hỏi giải pháp đặc biệt”.

Thứ hai, Chủ tịch Quốc hội cho biết Luật Giao thông đường bộ quy định Bộ Giao thông vận tải quản lý quốc lộ, từ tỉnh lộ trở xuống thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương.

Tuy nhiên, nếu trong cùng một thời kỳ có đến 6 dự án trọng điểm quốc gia cùng triển khai cùng với các công trình cũ như dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông...

"Nếu chỉ Bộ Giao thông vận tải quản lý sẽ không thể đảm nhiệm hết, do đó, đề xuất phương án giao cho một số địa phương có dự án đi quan làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền", Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Theo đó, đối với dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, đoạn qua địa phương nào, địa phương đó quản lý. Đồng thời, giao đầu mối cho Hà Nội đối với dự án đường Vành đai 4 và TP. Hồ Chí Minh làm đầu mối quản lý đối với đường Vành đai 3.

Tuy nhiên, khái niệm đầu mối quản lý, trách nhiệm của đầu mối đề vừa bảo đảm trách nhiệm thực hiện ở từng đoạn vừa thống nhất toàn tuyến Luật chưa có quy định, do đó, Chính phủ cần phải làm rõ.

Thứ ba, việc phân chia dự án thành đoạn tuyến, chia theo địa giới hành chính như trên cũng không phù hợp với Luật Xây dựng hiện hành bởi Luật Xây dựng chỉ cho phép các dự án vận hành độc lập, tiểu dự án cũng phải vận hành độc lập.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay, giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế thì việc quá máy móc áp dụng quy định trong quản lý sẽ không cần thiết, do đó, trình xin Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù.

Ngoài ra, còn có hàng loạt quy định về tỷ lệ phần vốn đóng góp, thời hạn thu hồi vốn của một số dự án liên quan đến quy định của Luật PPP, hay việc khai thác tài nguyên làm vật liệu thi công liên quan đến Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường, hay như quy định liên quan đến Luật Đấu thầu…đòi hỏi phải có một số các cơ chế, chính sách đặc thù đặc biệt khác với hệ thống luật hiện hành và chỉ áp dụng cho giai đoạn hiện nay.

 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận Tổ  (Ảnh: quochoi.vn).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận Tổ  (Ảnh: quochoi.vn).

Tuy nhiên, "thực hiện cơ chế đặc thù phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm nhất là trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của người đứng đầu. Đây là những vấn đề phải được thể hiện rõ trong Nghị quyết của Quốc hội. Cùng với đó phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. Trao quyền nhiều phải cá thể hóa trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các địa phương phải cam kết với Chính phủ về việc bố trí vốn và Chính phủ phải cam kết với Quốc hội một cách rõ ràng, chặt chẽ về tổng số vốn bố trí theo phương án, về phân kỳ đầu tư, tiến độ giải ngân, cam kết về tổng số vốn, số vốn cam kết từng năm.

Khi điều chỉnh tổng mức đầu tư thì cả Trung ương và địa phương đều phải bổ sung để bảo đảm hoàn thành. Đây là những vấn đề Nghị quyết của Quốc hội sẽ phải quy định rõ trách nhiệm.

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội quan tâm đó là việc thực hiện cơ chế đối tác công tư.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, huy động nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, hiện nay các dự án có xu hướng chuyển sang đầu tư công nếu tiếp diễn huy động vốn toàn xã hội rất khó khăn, không thực hiện được mục tiêu khi ban hành Luật PPP.

“Đây là vấn đề phải được đánh giá một cách rất là căn cơ. Phải chăng thị trường vốn dài hạn kém phát triển?”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh rằng cần quan tâm xây dựng phát triển thị trường vốn, cùng với đó, phải đánh giá toàn diện quy phạm pháp luật từ luật đến các nghị định, văn bản hướng dẫn đến tổ chức triển khai thực hiện. Về lâu dài, cần tăng cường đầu tư tư nhân, xã hội hóa đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến bảo đảm khả thi trong tổ chức thực hiện các dự án khi cùng một lúc nhiều dự án trọng điểm quốc gia được triển khai thì các vấn đề như vật liệu thi công, năng lực thi công của các nhà thầu, bảo đảm vốn… cần được tính toán đến. Trên cơ sở đó xác định thời hạn hoàn thành các dự án. Đồng thời, vấn đề quản trị dự án, tổ chức bảo trì, bảo hành và vận hành sau khi đưa vào khai thác, sử dụng cũng là khâu quan trọng cần được chú ý đến.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quyết tâm của cả Quốc hội và Chính phủ để khi biểu quyết sẽ tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao để tổ chức thực hiện một cách quyết liệt và đến năm 2025 thực hiện được mục tiêu về đường cao tốc, tạo đột phá về kết cấu hạ tầng của cả nước.

 

Năm dự án giao thông trọng điểm được Chính phủ trình Quốc hội vào ngày 6/6 gồm có:

Thứ nhất, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7 km qua 2 tỉnh, kết nối thành phố Biên Hòa với cảng biển Cái Mép - Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4-6 làn xe.

Thứ hai, dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột dài 117,5 km qua 2 tỉnh, kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.

Thứ ba, dự án đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 188,2 km qua 4 tỉnh/thành phố, kết nối thành phố Châu Đốc với cảng biển Trần Đề; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.

Thứ tư, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long qua địa phận: TP. Hà Nội dài 58,2km; Hưng Yên dài 19,3km; Bắc Ninh dài 25,6km và tuyến nối 9,7km.

Thứ năm, dự án đường Vành đai 3 – TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài tuyến là 76,34km bao gồm: TP. Hồ Chí Minh 47,51km; Đồng Nai ll,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81 km.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate