Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Bộ Tư pháp đề xuất nội dung sửa đổi một số quy định pháp luật trước tác động của đại dịch Covid-19, trong đó kiến nghị tiếp tục giảm mức thu phí công đoàn từ 2% còn tối đa 1%.
Hiệp hội này cho rằng, mức thu kinh phí công đoàn 2% quỹ tiền lương hiện tại quá cao và chưa hợp lý. Vì vậy đề xuất giảm tỷ lệ trích nộp kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Chính phủ có quyền quyết định tỷ lệ đóng này theo từng thời kỳ, tùy theo tình hình kinh tế xã hội.
Lý giải thêm về đề xuất, VASEP cho biết: do khoản thu phí công đoàn chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của người lao động, cần giảm tỷ lệ đóng khoản thu này xuống tối đa 1%. Lý do là doanh nghiệp hiện tại đã tự nguyện cung cấp rất nhiều các lợi ích cho người lao động, ngoài những lợi ích được hưởng từ kinh phí công đoàn.
“Việc doanh nghiệp đóng thuế, tức là đã gián tiếp đóng góp kinh phí cho công đoàn thông qua ngân sách Nhà nước, nay phải trích nộp thêm kinh phí công đoàn nghĩa là doanh nghiệp phải đóng thêm 2% thuế trên quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp”.
VASEP
Theo VASEP, tỷ lệ nộp kinh phí công đoàn phải dựa trên điều kiện kinh tế xã hội của từng thời kỳ và sự thay đổi của cơ sở tính quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội qua thời gian.
Trước đó, Chính phủ đã từng quyết định mức nộp kinh phí công đoàn theo từng thời kỳ, điển hình là việc nộp kinh phí công đoàn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã không phải đóng kinh phí công đoàn trong một khoảng thời gian nhất định nhằm thu hút đầu tư vào Việt Nam (từ năm 1999 - 2009).
Tiếp đó, khi Việt Nam đã thu hút được một lượng vốn đầu tư nước ngoài nhất định, Chính phủ đã quyết định cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng 1% và để lại toàn bộ tại doanh nghiệp. Sau đó tỷ lệ này được tăng lên 2% từ khi có Luật Công đoàn 2012.
“Hiệp hội thấy rằng sau 8 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012, các mức lương tối thiểu vùng đã tăng lên nhiều lần và quy mô lao động tại các doanh nghiệp đã tăng lên, khiến cho quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trở nên rất lớn và tiếp tục phình to khi lương tối thiểu tiếp tục tăng trong các năm tới. Vì vậy đã đến lúc chúng ta cần phải xem xét giảm tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn 2% xuống mức phù hợp”, VASEP kiến nghị.
Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng đề xuất cần xem xét trong những trường hợp các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, như trong đại dịch Covid-19 hiện nay, doanh nghiệp không phải đóng khoản kinh phí công đoàn này.
Thực tế vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đề xuất tạm hoãn thu kinh phí công đoàn do dịch Covid-19, chứ doanh nghiệp không được miễn nộp với các điều kiện rất khắt khe nên doanh nghiệp và người lao động cũng không tiếp cận được.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó các hiệp hội doanh nghiệp khác như Dệt may, Da giày cũng cho rằng tỷ lệ trích nộp phí công đoàn 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là quá lớn. Vì vậy, đề nghị giảm mức đóng từ 2% về tối đa 1%.
Các hiệp hội cũng đề xuất mức trích nộp kinh phí công đoàn lên công đoàn cấp trên từ 10 – 15%, còn để lại cho công đoàn cơ sở hoặc tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp từ 85 – 90% để chăm lo cho người lao động.
Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2019 về việc quản lý, sử dụng tài chính công của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thể hiện các nội dung như: Tổng thu tài chính công đoàn trong 7 năm (từ năm 2013-2019) là 100.354 tỷ đồng. Tổng thu trung bình mỗi năm tăng 12%.
Tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 so với năm 2012 tăng 2,3 lần trong đó kinh phí công đoàn tăng 2,57 lần, đoàn phí tăng 2,26 lần, thu khác tăng 1,24 lần. Số liệu nêu trên cho thấy, việc tăng trưởng mạnh của quỹ công đoàn theo mức thu 2% kinh phí công đoàn, các cấp công đoàn đã không sử dụng hết số tiền thu được.