Xác định xu hướng triển khai công nghệ 4G là cần thiết, tuy nhiên, một số doanh nghiệp viễn thông cho rằng, lúc này chưa phải là thời điểm triển khai và còn quá sớm, doanh nghiệp chỉ nên thử nghiệm để đón thời cơ.
2 năm nữa mới có thể triển khai 4G
Trong tổng số 5 doanh nghiệp đã được cấp phép thử nghiệm là Viettel, VNPT, CMC, FPT, VTC thì mới chỉ duy nhất có Viettel là chính thức công bố thử nghiệm thành công 4G. Hiện có thêm hai hoanh nghiệp nữa là EVN Telecom và Gtel cũng đã gửi đơn lên Bộ Thông tin và Truyền thông xin cấp phép thử nghiệm dịch vụ công nghệ này.
Tuy nhiên, do xác định 4G sẽ là xu hướng công nghệ trong tương lai gần, bởi vậy một số doanh nghiệp viễn thông đang “âm thầm” chuẩn bị để đón thời cơ.
Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó giám đốc MobiFone cho biết, nhà mạng này đã và đang tiến hành thử nghiệm 4G, để từng bước tiếp cận công nghệ mới có tốc độ cao nhằm phát triển các ứng dụng, đợi khi công nghệ này bùng nổ, doanh nghiệp đã sẵn sàng mạng lưới hạ tầng, ứng dụng cung cấp các dịch vụ.
Trong kế hoạch của MobiFone, do doanh nghiệp đã có hạ tầng mạng lưới 2G và 3G nên việc tiếp tục triển khai 4G trên hạ tầng có sẵn được tính là xu thế hiệu quả kinh tế nhất vì mạng lõi doanh nghiệp đang đầu tư đã có tính năng hỗ trợ cho 4G, còn mạng vô tuyến trong quá trình triển khai cũng đã đầu tư hệ thống sẵn sàng cho 4G, nên chỉ cần đầu tư thêm các phần mềm là có thể cung cấp dịch vụ trên mạng hiện có.
Riêng Viettel còn “đón lõng” 4G bằng việc thử nghiệm cho khách hàng tại Hà Nội và Tp.HCM với 5 dịch vụ đặc trưng và phổ biến nhất của mạng 4G là Video Streaming, LiveTV, HD Video Call, Video Conference, VOD – TvoD, sau khi công bố thử nghiệm thành công.
Ông Nguyên cho rằng, triển khai công nghệ 4G bây giờ là quá sớm, nhưng tới năm 2013 thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể đề cập đến việc triển khai 4G. Theo đại diện cả ba mạng lớn Viettel, VinaPhone và MobiFone, vấn đề lớn nhất đối với việc triển khai 4G hiện nay là phụ thuộc vào yếu tố thiết bị đầu cuối.
Trong khi đó, với những doanh nghiệp công nghệ thông tin khác chưa kịp “đặt chân” vào thị trường viễn thông di động cả 2G lẫn 3G như tập đoàn FPT, CMC hay VTC thì sự mong ngóng độ chín của 4G có lẽ còn sốt sắng hơn nhiều.
Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT cho biết, nếu FPT tham gia thị trường viễn thông bằng công nghệ như của các nhà mạng lớn MobiFone, Viettel hay VinaPhone thì khả năng “sống sót” của FPT là rất khó, vì thế mà FPT phải tìm công nghệ vượt trội, cụ thể là FPT đang chú trọng vào công nghệ LTE (4G). Sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm (tháng 8/2010), FPT đã tiến hành triển khai thử nghiệm tại Hà Nội và Tp.HCM.
Hiện, do quy mô thử nghiệm nên mỗi nhà khai thác cũng chỉ được cấp 10 MHz, mỗi nhà khai thác phải có 20-30MHz LTE thì mới có thể vận hành LTE một cách hiệu quả.
Theo phân tích của ông Đình Anh, các trạm 4G hiện nay rất đắt, gấp đôi 3G và các thiết bị đầu cuối LTE cũng đắt gấp 6-8 lần 3G, trong điều kiện như vậy mà triển khai thì không phù hợp và hiệu quả về mặt kinh tế. Ngay như một số mạng 4G ở Mỹ quy mô vẫn còn hạn chế. Ở một số quốc gia phát triển khác cũng mới bắt đầu thử nghiệm.
“Khoảng 2 năm nữa, khi mà giá thiết bị đầu cuối đủ rẻ, đủ để phủ rộng thì 4G mới chín về mặt công nghệ và lúc đó mới có thể là thời điểm để các doanhh nghiệp bắt tay vào triển khai 4G”, ông Đình Anh hy vọng.
Không nên “cấp”… quá nhiều!
Kể cả khi công nghệ 4G đến độ chín và Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành cấp phép cho các doanh nghiệp được thiết lập hạ tầng và cung cấp dịch vụ thì hiện một số ý kiến, quan điểm “mang dấu ấn từ tiền lệ 3G” đang được đặt ra đối với 4G.
Đó là việc triển khai công nghệ 3G theo hình thức thi tuyển, các doanh nghiệp đã phải đặt cọc với số tiền lên tới hơn 8.000 tỷ đồng và cam kết đầu tư cho mạng 3G trong 3 năm đầu là 42.000 tỷ đồng, tương đương với 2,47 tỷ USD. Hiện, các hãng khai thác đã đầu tư tổng số tiền cho mạng 3G khoảng 33.000 tỷ đồng.
Tất nhiên, khi cấp phép triển khai 4G thì vẫn áp dụng hai hình thức là thi tuyển hoặc đấu giá tần số theo đúng quy định của Luật Tần số vô tuyến điện.
Nhưng với khoản tiền đặt cọc và đặc biệt là tiền cam kết và triển khai trên thực tế, cho dù là những “đại gia” với doanh thu và có mức lãi khủng như Viettel hay MobiFone, thì đó cũng là khoản vốn đầu tư rất tốn kém. Cũng có thể, hiệu quả đem lại sau năm đến bảy năm nữa sẽ lớn hơn mức vốn mà các doanh nghiệp trên bỏ ra.
Bà Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) - liên danh với EVN Telecom trúng tuyển cung cấp dịch vụ 3G, đã “thả hết cảm xúc” tại hội nghị tổng kết về triển khai 3G cách đây một tuần, rằng do phải “tự làm tự ăn” nên chỉ riêng với khoản tiền đặt cọc 600 tỷ nhưng với Hanoi Telecom là khoản quá lớn nhưng do 3G cần thiết nên doanh nghiệp cũng đành “đổ tiền” để thi thố!
Nhưng có điều, theo lập luận của bà Châu, việc các “đại gia” di động chạy đua bỏ hàng nghìn tỷ đặt cọc vào 3G là điều không cần thiết, vì thực tế khoảng cách số vốn đặt cọc giữa các doanh nghiệp trúng tuyển là quá lớn, như thế chưa hẳn đã có lợi cho doanh nghiệp và cho đất nước, vì bản thân các nhà mạng đều là những doanh nghiệp nhà nước.
Lãnh đạo Hanoi Telecom khẳng định, doanh nghiệp của mình cũng không ham hố gì với 4G vì thực tế là chỉ thêm những giá trị dịch vụ gia tăng, và trên hạ tầng mạng lưới có sẵn, Hanoi Telecom có thể tự thêm dịch vụ vào và không việc gì phải lên 4G, khi phải đầu tư thêm những khoản tiền lớn.
“Vì thời gian qua, với các dịch vụ 2G, chúng tôi đã phải chiến đấu (cạnh tranh giảm giá dịch vụ - PV) quá mệt mỏi rồi”, bà Châu bức xúc.
Ông Trương Đình Anh cũng cho rằng, tỷ lệ doanh thu trung bình/ thuê bao (ARPU) mà các nhà mạng cung cấp đang xuống rất thấp, dưới 4 USD với 2G, và khoảng 6 USD với 3G. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông đầu tư vào 3G còn tung những gói cước dùng không giới hạn, như thế thì bất kỳ một nhà khai thác mới nào vào thị trường viễn thông di động cũng rất khó để tồn tại.
Đề xuất của bà Châu tới lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông là, nếu Bộ tiến hành cho thử nghiệm 4G thì nên cấp cho tất cả các doanh nghiệp được thử nghiệm nhưng “khi đi vào triển khai thực chất thì chỉ nên cho các doanh nghiệp 3G triển khai, chứ không 7- 8 ông (doanh nghiệp viễn thông – PV) đã chết rồi, thêm 3 – 4 ông nữa thì… càng chết!".
Tất nhiên, đề xuất “chỉ nên cho doanh nghiệp này triển khai 4G mà không cho doanh nghiệp khác” sẽ không thể thành hiện thực vì Luật Viễn thông có hiệu lực từ 1/7/2010 là khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo pháp luật Việt Nam đều được tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông.
Nhưng vấn đề đặt ra với Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian tới là phải xây dựng một chiến lược, giải pháp phát triển hạ tầng viễn thông để vừa khuyến khích, kích thích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia phát triển, vừa không làm lãng phí tài nguyên, nhưng đồng thời cũng không vi phạm các quy định pháp luật và quy định WTO về mở cửa thị trường.
Trong đó, chiến lược có thể được coi là căn cơ nhất hiện nay là xây dựng quy chế để các doanh nghiệp thực hiện dùng chung tạ tầng viễn thông, để tránh trường hợp, ngay bản thân một lãnh đạo của bộ chủ quản khi nhìn lại phát triển hạ tầng viễn thông 2G đã phải thốt lên “Việt Nam có quá nhiều các doanh nghiệp viễn thông!".
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate