Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới", công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trong giai đoạn 2009-2024 đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng.
Đó là độ bao phủ bảo hiểm y tế tăng đều qua từng năm và tiệm cận với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân; quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế được đảm bảo kịp thời với thủ tục ngày càng cải cách theo hướng tạo thuận lợi, tăng sự hài lòng cho người thụ hưởng...
TIỆM CẬN MỤC TIÊU BẢO HIỂM Y TẾ TOÀN DÂN
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay, các tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Hệ thống Tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục được mở rộng, bố trí các điểm thu, nhân viên thu đến từng thôn, bản, tổ dân phố.
Kết quả, số người tham gia bảo hiểm y tế năm sau luôn cao hơn năm trước, đặc biệt tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế tăng trưởng bền vững trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn là thuận lợi.
Cụ thể năm 2008, toàn quốc có 39,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số. Năm 2009, sau khi Chỉ thị 38 được ban hành, toàn quốc có trên 50 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (tăng trên 10 triệu người so với năm 2008), tỷ lệ bao phủ đạt 58,2% dân số.
Đến năm 2023, có trên 93,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, thời điểm chưa có Chỉ thị số 38, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,35% dân số, vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.
Đáng chú ý, kết quả phát triển người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình có sự tăng trưởng ấn tượng, từ 3,76 triệu người tham gia (năm 2009), tăng lên thành 24,89 triệu người (năm 2023), gấp 6,6 lần so với năm 2009.
Cùng với mở rộng đối tượng tham gia, việc chi trả các quyền lợi về bảo hiểm cho người hưởng cũng luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Số lượt người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm.
Đơn cử năm 2009 có 88,64 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, với tổng chi là 15.396 tỷ đồng. Năm 2015, có 130,17 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 46,8% so với năm 2009. Năm 2020, có 167,34 triệu lượt, tăng 28,6% so với năm 2015. Đến năm 2023, con số này đã tăng lên 174 triệu lượt, tăng 4% so với năm 2020.
Từ năm 2009 đến năm 2023, bình quân lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mỗi năm là trên 141 triệu lượt/năm (tăng 59,5% so với năm 2009), với tổng chi phí KCB bình quân 66,2 nghìn tỷ đồng/năm (tăng 330% so với năm 2009).
ĐẨY MẠNH SỐ HÓA TRONG GIẢI QUYẾT CÁC THỦ TỤC BẢO HIỂM
Bên cạnh giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để tạo ra nhiều tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng, và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc phát hiện, phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.
Theo đó, toàn ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cắt giảm từ 115 thủ tục (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ, như: Tin học hóa hầu hết các thủ tục tham gia và cấp thẻ bảo hiểm y tế; triển khai giao dịch điện tử đối với các tổ chức và cá nhân; triển khai 100% dịch vụ công mức độ 4 cho các thủ tục hành chính của ngành...
Những năm qua, hệ thống của ngành đã tiếp nhận và xử lý gần 300 triệu lượt hồ sơ giao dịch trực tuyến. Trong đó, mỗi năm có hơn 170 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế.
Hệ thống này hiện đã kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội, với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Hệ thống cũng liên thông với các phần mềm nghiệp vụ để cập nhật, theo dõi người tham gia đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các tuyến; liên thông dữ liệu với phần mềm kế toán tập trung để quản lý tạm ứng, thanh toán chi khám chữa bệnh tại từng cơ sở. Qua đó, chống trục lợi, giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Công an chia sẻ thử nghiệm thông tin sổ bảo hiểm xã hội, thông tin khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để đưa lên ứng dụng VneID (ứng dụng định danh điện tử).
Đồng thời, chia sẻ thông tin thẻ bảo hiểm y tế để phục vụ khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp, hoặc bằng ứng dụng VneID. Triển khai sử dụng đa nền tảng khi đi khám chữa bệnh bằng căn cước công dân, VssID – Bảo hiểm xã hội số, ứng dụng VNeID.
Đến nay, 100% cơ sở đã triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip, với hơn 55,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân thành công, phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh.
Đồng thời, đã ứng dụng thí điểm xác thực thông tin sinh trắc học trên căn cước công dân gắn chip trong khám chữa bệnh. Nhờ vậy giúp tạo thuận lợi cho người bệnh...
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử. Tính đến nay, trên toàn quốc có 1.216 cơ sở khám chữa bệnh đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với hơn 2,058 triệu dữ liệu được gửi.
Có 1.582 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 852.542 dữ liệu được gửi; 596 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy báo tử, với 8.575 dữ liệu được gửi.
Việc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức cung ứng dịch vụ y tế, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế.