Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan cùng địa phương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Nghị định số 104/2024/NĐ-CP ngày 31/7/2024 quy định về Quỹ phát triển đất.
Trong đó, tại Nghị định số 103/2024/NĐ-CP, Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương lưu ý một số nội dung: Đối với trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm không thông qua hình thức đấu giá, tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất một năm là từ 0,25% đến 3%.
Đối với đất xây dựng công trình ngầm, trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, đơn giá thuê đất được tính theo mức không quá 30% của đơn giá thuê đất trên bề mặt, với cùng hình thức thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê có cùng mục đích sử dụng đất.
Đối với đất có mặt nước, đơn giá thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, đơn giá thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê được tính theo mức không thấp hơn 20% của đơn giá thuê đất hàng năm, hoặc đơn giá thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, của loại đất có vị trí liền kề với giả định có cùng mục đích sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất với phần diện tích đất có mặt nước.
Căn cứ vào thực tế địa phương, UBND cấp tỉnh quy định mức tỷ lệ (%) để tính đơn giá thuê đất; mức tỷ lệ (%) thu đối với đất xây dựng công trình ngầm; mức tỷ lệ (%) thu đối với đất có mặt nước, và quyết định giá đất cụ thể theo thẩm quyền làm căn cứ để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sau khi xin ý kiến của HĐND cùng cấp. Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan tài chính trong việc chủ trì xây dựng và trình UBND cấp tỉnh quy định các mức tỷ lệ (%) cụ thể để xác định đơn giá thuê đất nêu trên.
Vì vậy, đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành các mức tỷ lệ (%) tính thu tiền thuê đất nêu trên, để áp dụng tính thu tiền thuê đất đối với các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8/2024, trường hợp vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ngoài ra, Nghị định số 104/2024/NĐ-CP ngày 31/7/2024 quy định về Quỹ phát triển đất đã quy định cụ thể cơ chế hoạt động của Quỹ phát triển đất. Theo đó, Quỹ phát triển đất có nhiệm vụ: quản lý nguồn vốn hoạt động của Quỹ (vốn điều lệ và vốn huy động hợp pháp khác) theo quy định tại Nghị định này; thực hiện các nhiệm vụ ứng vốn theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; thực hiện thu hồi vốn ứng theo quy định; chấp hành quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản, kế toán, kiểm toán và các quy định khác có liên quan; quyết định dừng, thu hồi vốn ứng khi phát hiện tổ chức được ứng vốn vi phạm quy định về sử dụng vốn ứng hoặc chậm hoàn trả vốn ứng; kiểm tra đối với việc sử dụng vốn ứng và thu hồi vốn ứng.
Đồng thời, quy định trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đến hoạt động của Quỹ phát triển đất như sau: không phải thực hiện thủ tục thành lập Quỹ phát triển đất theo quy định tại Nghị định này đối với các trường hợp tiếp tục duy trì Quỹ. Đối với địa phương chưa thành lập Quỹ phát triển đất: Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn chủ trì, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt Đề án thành lập Quỹ sau khi có ý kiến của HĐND cùng cấp;
Ban hành quy định về thẩm quyền, quy trình lập, tổng hợp, phê duyệt Kế hoạch ứng vốn từ Quỹ phát triển đất; quy định thẩm quyền quyết định ứng vốn từ Quỹ và chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất, đảm bảo việc sử dụng vốn ứng đúng mục đích, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật...; trình HĐND cùng cấp quyết định mức vốn điều lệ ban đầu, vốn điều lệ bổ sung cấp cho Quỹ phát triển đất theo quy định tại Nghị định này.
Thứ trưởng cho biết do nội dung của Nghị định số 103/2024/NĐ-CP, Nghị định số 104/2024/NĐ-CP có phạm vi tác động rộng, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan chức năng của địa phương, tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Vì vậy, ngay sau khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực thi hành, việc phổ biến quy định của 2 Nghị định nêu trên đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan là rất cần thiết, để trong thời gian sớm nhất đưa quy định của pháp luật vào cuộc sống.