August 21, 2023 | 11:26 GMT+7

Triển vọng kinh tế ngày càng xấu, Trung Quốc “cấp cứu” tỷ giá Nhân dân tệ và thị trường chứng khoán

An Huy -

Các biện pháp này bao gồm nới một số quy định trên thị trường chứng khoán, hạ lãi suất, bơm tiền vào hệ thống tài chính, bán ra ngoại tệ, và nâng tỷ giá tham chiếu...

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phát đi nhiều tín hiệu đáng lo ngại những ngày gần đây, cơ quan chức năng của nước này đã và đang triển khai một loạt biện pháp nhằm vực dậy tỷ giá đồng nội tệ và ổn định niềm tin trên thị trường tài chính. Các biện pháp này bao gồm nới một số quy định trên thị trường chứng khoán, hạ lãi suất, bơm tiền vào hệ thống tài chính, bán ra ngoại tệ, và nâng tỷ giá tham chiếu.

Đây là những nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm cải thiện niềm tin ngày càng giảm của giới đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi các số liệu kinh tế cho thấy sự lao dốc của xuất khẩu, niềm tin của người tiêu dùng xuống dốc, và những mối lo ngại về sự leo thang trở lại của thị trường bất động sản.

CUỘC KHỦNG HOẢNG BẤT ĐỘNG SẢN LEO THANG

Nỗi bất an của nhà đầu tư gia tăng mạnh sau khi Country Garden - một trong những chủ đầu tư địa ốc tư nhân lớn nhất và được coi là một trong những doanh nghiệp bất động sản an toàn nhất của Trung Quốc - trễ hạn thanh toán một số khoản nợ trái phiếu quốc tế. Cùng với đó, một số công ty con của công ty đầu tư tài chính khổng lồ Zhongzhi cũng trễ hạn thanh toán một số sản phẩm tiết kiệm.

Việc các công ty này trễ hạn thanh toán làm dấy lên mối quan ngại mới về tình trạng sức khoẻ vốn dĩ đã yếu của ngành bất động sản - lĩnh vực chiếm hơn 1/4 hoạt động kinh tế của Trung Quốc và đang chìm trong một cuộc khủng hoảng thanh khoản chưa có lối thoát. Cho tới hiện tại, sự kiện gây chấn động nhất trong cuộc khủng hoảng này là vụ vỡ nợ trái phiếu USD của công ty địa ốc khổng lồ China Evergrande vào cuối năm 2021. Hôm thứ Sáu tuần trước, Evergrande đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên toà án ở Mỹ để được bảo vệ trước các chủ nợ trong quá trình công ty tái cơ cấu nợ.

 

“Nhà chức trách Trung Quốc có thể đang thiếu công cụ thể kích thích thị trường bất động sản và nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ”.

Chiến lược gia Ken Cheung, Mizuho Bank

Trong một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang lo ngại về tình hình sức khoẻ của nền kinh tế và thị trường tài chính, Uỷ ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) vào hôm thứ Sáu công bố một kế hoạch cải cách nhằm “thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường vốn”. Cũng theo tuyên bố này, nhà chức trách đang cân nhắc kéo dài thời gian giao dịch hàng ngày của thị trường cổ phiếu và trái phiếu, đồng thời quyết định giảm phí giao dịch đối với các công ty môi giới và khuyến khích việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu để giúp bình ổn thị trường.

Trước đó cùng ngày thứ Sáu, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tăng cường nỗ lực ngăn đà giảm giá của đồng Nhân dân tệ bằng cách tăng mạnh tỷ giá chính thức lên mức hơn 7,2 Nhân dân tệ đổi 1 USD, so với mức hơn 7,3 Nhân dân tệ đổi 1 USD như kỳ vọng của thị trường.

Động thái này diễn ra chỉ ba ngày sau khi PBOC bất ngờ cắt giảm lãi suất để vực dậy niềm tin của người tiêu dùng. Cũng trong tuần trước, PBOC bơm 757 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 104 tỷ USD, vốn ngắn hạn vào hệ thống ngân hàng.

Những động thái liên tiếp và bất ngờ cho thấy PBOC đang ở vào vị thế khó khăn, vì vừa phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vừa phải bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ và ngăn sự tháo chạy của dòng vốn. Sáng nay (21/8), PBOC tiếp tục cắt giảm lãi suất của các khoản vay kỳ hạn 1 năm - một động thái không nằm ngoài dự báo, nhưng khiến thị trường ngạc nhiên vì giữ nguyên lãi suất của các khoản vay kỳ hạn 5 năm. Đây được xem là một quyết định nhằm giữ chính sách của PBOC được cân bằng giữa hai mục tiêu đối nghịch.

Lãi suất cơ bản kỳ (LPR) hạn 1 năm giảm 0,1 điểm phần trăm, còn 3,45%. Lãi suất cơ bản kỳ hạn 5 năm giữ nguyên ở 4,2%. Trong một cuộc khảo sát trước đó do hãng tin Reuters thực hiện, tất cả 35 nhà quan sát dự báo PBOC sẽ giảm cả hai lãi suất.

Hầu hết các khoản vay mới và dư nợ tín dụng hiện tại ở Trung Quốc đều dựa trên lãi suất cơ bản kỳ hạn 1 năm, còn lãi suất cơ bản kỳ hạn 5 năm ảnh hưởng nhiều đến các khoản vay thế chấp nhà. Hồi tháng 6, Trung Quốc đã giảm cả hai lãi suất này để hỗ trợ tăng trưởng.

TỶ GIÁ NHÂN DÂN TỆ Ở THẾ BẤT LỢI

“Lý tưởng nhất là làm thế nào để cắt giảm lãi suất mà không gây mất giá đồng Nhân dân tệ. Nhưng xét tới xu hướng tăng giá gần đây của đồng USD và mức lãi suất cao ở Mỹ, Trung Quốc khó đạt được mục tiêu đó”, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng Goldman Sachs, ông Hui Shan, nhận định với tờ Financial Times.

“Có lẽ Trung Quốc đã hạn chế mức cắt giảm lãi suất vì lo ngại về áp lực mất giá đối với Nhân dân tệ. Nhà chức trách Trung Quốc đang rất quan tâm đến ổn định thị trường tiền tệ”, chiến lược gia trưởng Masayuki Kichiakawa của công ty quản lý tài sản Sumitomo Mitsui DS Asset Management nói với hãng tin Reuters.

Tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc đại lục lúc đầu giờ sáng nay giảm nhẹ còn 7,3078 Nhân dân tệ đổi 1 USD, so với mức đóng cửa cuối tuần trước là 7,2855 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Chỉ số Shanghai Composite Index, thước đo chủ chốt của chứng khoán Trung Quốc, và chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu blue-chip cùng giảm nhẹ.

Năm nay, Nhân dân tệ đã giảm giá gần 6% so với USD, trở thành một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất ở khu vực châu Á. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm khoảng 2% trong năm nay, so với mức tăng khoảng 14% của thị trường Mỹ.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, sự phục hồi hậu Covid-19 của kinh tế Trung Quốc đang mất đà và vào tháng trước, nước này đã rơi vào tình trạng giảm phát.

Trong bối cảnh như vậy, Bắc Kinh cho tới thời điểm hiện tại vẫn phớt lờ những lời kêu gọi về một gói kích cầu quy mô lớn hoặc một cuộc giải cứu thị trường bất động sản. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách dựa vào hạ lãi suất, nới lỏng một số quy định về mua nhà, và triển khai một số chương trình hỗ trợ tiêu dùng.

Trong một báo cáo vào tuần trước, nhà phân tích Xiaoxi Zhang của công ty Gavekal Research bày tỏ lo ngại về khả năng Trung Quốc đối mặt với “khoảnh khắc Lehman” - ngân hàng đầu Mỹ sụp đổi vào năm 2008 châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu.

“Tin tốt ở đây là sự cảnh giác của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đồng nghĩa khó có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng như ở Mỹ hồi năm 2008. Nhưng tin xấu là sức ép nợ nần đối với các công ty bất động sản và chính quyền các địa phương đang lây lan khắp nền kinh tế Trung Quốc”, ông Zhang nhận định.

Diễn biến tỷ giá USD/Nhân dân tệ từ đầu năm đến nay. Đơn vị: Nhân dân tệ/USD - Nguồn: CNBC.
Diễn biến tỷ giá USD/Nhân dân tệ từ đầu năm đến nay. Đơn vị: Nhân dân tệ/USD - Nguồn: CNBC.

Một số nhà phân tích cho rằng các biện pháp cải cách mà CSRC công bố vừa rồi, cũng như việc PBOC rón rén hạ lãi suất, sẽ không thể đủ để giải quyết các vấn đề trên thị trường Trung Quốc, nhưng có thể sẽ giúp cải thiện niềm tin trong ngắn hạn.

Trong khi đó, chiến lược gia trưởng về ngoại hối châu Á của ngân hàng Mizuho Bank, ông Ken Cheung, cho rằng lần hạ lãi suất này của PBOC sẽ “gây bất lợi cho triển vọng kinh tế Trung Quốc và tỷ giá Nhân dân tệ”.

“Chúng tôi xem việc PBOC giữ nguyên lãi suất cơ bản kỳ hạn 5 năm là một dấu hiệu cho thấy họ lo ngại việc giảm lãi suất sẽ dẫn tới sự gia tăng chênh lệch lãi suất” giữa Trung Quốc và Mỹ. “Nhà chức trách Trung Quốc có thể đang thiếu công cụ thể kích thích thị trường bất động sản và nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ”, ông Cheung nói với Reuters.

Hôm thứ Năm tuần trước, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết các ngân hàng thương mại quốc doanh của Trung Quốc đã bán USD trên thị trường giao ngay để hỗ trợ tỷ giá Nhân dân tệ.

Ông Vishnu Varathan, nhà kinh tế trưởng của Mizuho Bank, nhận định “tăng trưởng suy yếu và rủi ro tài chính đang gây bất ổn tỷ giá Nhân dân tệ”. Theo ông Varathan, trong trung hạn, tỷ giá Nhân dân tệ sẽ còn gặp nhiều trở ngại dai dẳng, bao gồm “tình hình địa chính trị căng thẳng, tăng trưởng kinh tế u ám, và các rủi ro tài chính chưa được tháo gỡ”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate