Cùng thời điểm này năm ngoái, thế giới đã kỳ vọng rằng một khi Trung Quốc kết thúc chính sách chống Covid hà khắc, người tiêu dùng nước này sẽ đổ xô đến các trung tâm mua sắm, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ được nối lại, các nhà máy sẽ tăng tốc, các cuộc bán đấu giá đất và doanh số bán nhà sẽ ổn định trở lại.
Nhưng trái với kỳ vọng, người tiêu dùng Trung Quốc đang tiết kiệm để phòng lúc khó khăn, doanh nghiệp nước ngoài chuyển tiền khỏi Trung Quốc, các nhà sản xuất đối mặt với sự suy yếu của nhu cầu tại thị trường phương Tây, ngân sách của các chính quyền địa phương trở nên eo hẹp, và hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh vỡ nợ.
TRUNG QUỐC SẼ ĐI THEO “VẾT XE ĐỔ” CỦA NHẬT BẢN?
Theo hãng tin Reuters, những kỳ vọng không trở thành hiện thực này đã giúp củng cố phần nào quan điểm của những người bấy lâu nghi ngờ về mô hình tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Một số nhà kinh tế học thậm chí chỉ ra những nét tương đồng giữa Trung Quốc hiện nay với tình trạng bong bóng ở Nhật Bản trước khi nền kinh tế đất nước mặt trời mọc rơi vào “thập kỷ mất mát” với tăng trưởng trì trệ kéo dài suốt từ thập niên 1990.
Những người có quan điểm nghi ngờ cho rằng Trung Quốc đã thất bại trong việc dịch chuyển nền kinh tế khỏi mô hình phát triển dựa vào xây dựng-đầu tư sang tăng trưởng dựa trên tiêu dùng cách đây 1 thập kỷ - thời điểm mà lẽ ra nước này đã phải làm được việc đó. Kể từ đó, nợ của Trung Quốc đã tăng mạnh hơn tốc độ tăng của nền kinh tế, lên tới mức độ mà các chính quyền địa phương và doanh nghiệp bất động sản hiện nay rơi vào cảnh chật vật trang trải.
Năm nay, các nhà hoạch định sách Trung Quốc đã cam kết thúc đẩy tiêu dùng, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào bất động sản. Bắc Kinh đã và đang chỉ đạo các ngân hàng tăng cường cho vay đối với hoạt động sản xuất công nghệ cao, giảm bớt cho vay bất động sản.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Trung Quốc vẫn chưa có một lộ trình dài hạn rõ ràng cho việc giảm nợ và tái cơ cấu nền kinh tế. Cho dù lựa chọn như thế nào, Trung Quốc sẽ phải tính đến tình trạng lão hoá và suy giảm của dân số và môi trường địa chính trị khó khăn hơn, khi doanh nghiệp phương Tây trở nên thận trọng hơn với việc đầu tư vào Trung Quốc.
Nhiều khả năng kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023, vượt tốc độ tăng của kinh tế toàn cầu. Nhưng phía sau con số này là sự thật rằng Trung Quốc đầu tư hơn 40% sản lượng kinh tế, một tỷ lệ cao gấp đôi so với ở Mỹ - dấu hiệu cho thấy một tỷ trọng lớn của hoạt động đầu tư ở Trung Quốc kém hiệu quả.
Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người Trung Quốc không cảm nhận được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ nước này vượt 21%, và đó là lần gần đây nhất Trung Quốc công bố số liệu thống kê này trước khi tạm dừng. Nhiều cử nhân đại học ở Trung Quốc có trong tay tấm bằng của những ngành tiên tiến đang phải chấp nhận những công việc kỹ năng thấp để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, trong khi số khác chứng kiến thu nhập giảm mạnh.
Ở một quốc gia mà 70% tài sản của hộ gia đình nằm ở bất động sản như Trung Quốc, người sở hữu nhà đang cảm thấy nghèo đi. Ngay cả trong lĩnh vực xe điện - một trong số những điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế ở thời điểm này - cuộc chiến giá cả đang gây ra nhiều tổn thất cho các nhà cung ứng và người lao động.
Một mối lo lớn hiện nay là nếu Trung Quốc rơi vào tình trạng trì trệ kiểu Nhật Bản, sự trì trệ đó có thể xuất hiện trước khi Trung Quốc đạt được trình độ phát triển như Nhật Bản trước kia. Trong một kịch bản như vậy, ảnh hưởng sẽ lan rộng vì hầu hết các ngành công nghiệp trên toàn cầu đều có sự phụ thuộc lớn vào các nhà cung ứng ở Trung Quốc. Các nước ở châu Phi và Mỹ-Latin tuỳ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc đối với các loại hàng hoá cơ bản và vốn để phát triển kinh tế.
LỰA CHỌN KHÓ KHĂN
Những vấn đề của kinh tế Trung Quốc khiến nước này không có nhiều thời gian trước khi phải đưa ra một số lựa chọn khó khăn. Các nhà hoạch định chính sách nước này muốn thay đổi cấu trúc của nền kinh tế, nhưng cải cách không phải là một việc dễ dàng.
Nỗ lực thúc đẩy phúc lợi xã hội cho hàng trăm triệu lao động di cư từ nông thôn qua thành phố đang rơi vào ngưng trệ, một phần do chi phí lớn. Theo một số ước tính, nếu lực lượng lao động này được quyền tiếp cận với các dịch vụ công như cư dân thành thị, tiêu dùng của hộ gia đình sẽ tăng thêm một lượng tương đương 1,7% GDP.
Nỗ lực của Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản và các vấn đề nợ cũng đương đầu với những vấn đề tương tự: Ai sẽ chi trả cho các khoản nợ xấu? Ngân hàng, doanh nghiệp quốc doanh, Chính phủ trung ương, doanh nghiệp hay hộ gia đình? Giới phân tích nói rằng dù là đối tượng nào, điều đó cũng đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tương lai yếu đi.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc có vẻ lưỡng lự trong việc đưa ra những lựa chọn có thể hy sinh tăng trưởng để đổi lấy cải cách. Các cố vấn của Chính phủ nước này đang kêu gọi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm tới. Mục tiêu tăng trưởng như vậy là ngang bằng với mục tiêu của năm 2023, nhưng cơ sở so sánh của kinh tế Trung Quốc năm 2024 sẽ không còn thuận như năm nay, bởi năm 2022 là một năm sụt tốc mạnh của nền kinh tế do phong toả chống Covid.
Việc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2024 có thể khiến Trung Quốc phải vay nợ thêm - dạng nới lỏng tài khoá mới đây khiến tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc từ ‘ổn định’ xuống ‘tiêu cực’, khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 5 năm. Việc số tiền vay thêm đó được tiêu vào đâu sẽ trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có thay đổi hướng đi của nền kinh tế, hay tiếp tục mô hình tăng trưởng mà nhiều người cho là đã lỗi thời.