Bối cảnh thời trang thế giới và Việt Nam lúc này đã không còn giống với thập niên đầu. Sự gia nhập và phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu xa xỉ thế giới, sự trưởng thành của thế hệ nhà thiết kế trẻ dẫn đến sự thay đổi trong tư duy và phong cách ăn mặc của người tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, với xu hướng toàn cầu, những yếu tố văn hóa, bản sắc, thủ công và cá nhân hóa trở thành các yêu cầu cơ bản đối với thời trang cao cấp.
CHỦ ĐỘNG BƯỚC RA THẾ GIỚI
Năm 2022, thời trang Việt hiện diện khá sôi động trên trường quốc tế. Sau Rihanna, Katy Perry, Beyoncé, hay cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, danh sách các sao Hollywood diện thiết kế của Công Trí tiếp tục kéo dài với những tên tuổi như Zendaya, Kerry Washington, Camila Cabello... Bên cạnh đó, cũng rất nhiều người nổi tiếng ở Anh lựa chọn các thiết kế của Trần Hùng, bao gồm nhà vô địch Olympic Tom Daley, Olly Murs, Roxy Horner...
Tương tự, NTK Chung Thanh Phong thiết kế đầm dạ hội cho Miss Universe 2021 Harnaaz Sandhu và Miss World 2021 Karolina Bielawska. Còn người mẫu Leyla Milani - vợ "trùm bất động sản Mỹ" Manny Khoshbin – thì đặt hàng NTK Đỗ Long thiết kế đầm đuôi cá…
Đã qua rồi cái thời thế giới chỉ biết đến áo dài Việt Nam thông qua phim ảnh hay các sự kiện giao lưu văn hóa. Năm 2022, nhiều nhà thiết kế thể hiện đẳng cấp của mình khi góp mặt vào các sự kiện thời trang quốc tế. Trần Hùng với hai bộ sưu tập “Ocean” và “Xuân Hè 2023” tại Tuần lễ thời trang London. Phan Đăng Hoàng với bộ sưu tập “A Dose of Joy” (Một liều niềm vui) tại Tuần lễ thời trang Milan. Các nhà thiết kế Hải Long và Thế Huy với bộ sưu tập “Hồi sinh” và nhà thiết kế Trần Phương Hoa với 20 mẫu thiết kế áo cưới trong bộ sưu tập VIET Flora tại Tuần lễ thời trang New York...
Chia sẻ về việc trình diễn bộ sưu tập ở các tuần lễ thời trang thế giới, Nguyễn Công Trí nói: "Mọi người hãy mạnh dạn bước ra thế giới, bởi có rất nhiều cách để tham dự New York Fashion Week. Một là bạn được mời với tư cách NTK đại diện xu hướng thời trang mới của một quốc gia khi tên tuổi thương hiệu được nhiều người nhắc tên, để ban tổ chức đủ ấn tượng mà ngỏ lời mời đích danh; hoặc bạn có thể tham gia nếu hồ sơ đầy đủ và tài chính đáp ứng được kinh phí tổ chức".
Bằng cách này, những năm gần đây, hàng loạt show của Đỗ Mạnh Cường tại Mỹ và Australia, Phương My tại Nhật và Mỹ, Trần Hùng tại Anh... đã góp phần tô đậm dấu ấn thời trang cao cấp "made in Vietnam" ở các kinh đô thời trang.
Theo NTK Phương My, cảm hứng lớn nhất mà cô theo đuổi là hướng về người phụ nữ châu Á. Chỉ mới ở độ tuổi đầu 30, Phương My đã chạm tới những cột mốc nhiều nhà thiết kế thời trang mơ ước: được mời giới thiệu bộ sưu tập ở New York Fashion Week, được vinh danh trên tạp chí New York Times… Thành tựu này khiến cô được ví như "Vera Wang của Đông Nam Á", khi cả hai cùng có niềm đam mê mãnh liệu với những đường nét và chất liệu Á Đông đặc trưng, và kết hợp chúng một cách hoàn hảo vào những bộ váy cưới của phương Tây.
Trong khi đó, NTK Trần Hùng đạt được những thành công nhất định trên thị trường thời trang quốc tế khi trở thành thành viên của Hiệp hội Thời trang Anh quốc – BFC vào năm 2020. Anh còn là nhà thiết kế Việt duy nhất được xuất hiện trên trang chủ của London Fashion Week, đồng thời ra mắt các bộ sưu tập mới theo khuôn khổ tuần lễ thời trang này đều đặn hàng năm. Những thiết kế của Trần Hùng đều rất bay bổng và lãng mạn, pha trộn cảm hứng Á – Âu với kỹ thuật thêu tay trên chất liệu tơ tằm, organza….
Đặc biệt, anh luôn hướng tới phát triển thương hiệu của mình theo hướng thời trang bền vững, với 90% chất liệu phải là tơ tằm 100%, luôn xử lý vải dư thừa thành những chi tiết hữu dụng để không lãng phí. Hơn nữa, 60 - 90% các mẫu thiết kế của anh đều được khâu tay hoàn toàn, sản phẩm tạo ra vô cùng tinh xảo và chất lượng, nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn. “Việt Nam có lợi thế về chất liệu khi có rất nhiều kiểu vải được tạo nên từ tơ tằm, cộng với đó là tay nghề thủ công mà thời trang cao cấp thế giới luôn ưa chuộng”, Trần Hùng nhận định.
CẦN NỖ LỰC ĐỂ THẮNG Ở “SÂN NHÀ”
Statista ước tính, thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam trong năm 2022 đã tăng 34% và sẽ tiếp tục tăng trưởng 4% mỗi năm tới năm 2025. Còn theo Công ty nghiên cứu thị trường AZ, mức chi tiêu trung bình của người Việt dành cho thời trang là 13,9%, chỉ đứng sau chi tiêu dành cho thực phẩm (32,9%) và tiết kiệm (14,9%). Chỉ riêng trong năm 2022, vừa phục hồi sau đại dịch, thị trường thời trang đã thu về 2,23 tỷ USD, dự kiến tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 15%.
Đây chính là lý do các thương hiệu quốc tế liên tục xuất hiện tại thị trường Việt Nam, từ bình dân, trung đến cao cấp. Chính những điều này đã khiến sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với các hãng thời trang nước ngoài ngày càng trở nên gay gắt. Mặc dù doanh nghiệp trong nước có lợi thế am hiểu thị trường và văn hóa tiêu dùng nhưng tiềm lực tài chính mỏng, khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Ngược lại, tuy không có bề dày về lịch sử thời trang trăm năm, nhưng ưu thế về văn hóa chính là điểm khác biệt nếu các thương hiệu Việt biết khai thác.
Không phải ngẫu nhiên Phan Đăng Hoàng trở thành NTK Việt trẻ nhất đến với 4 tuần lễ thời trang lớn nhất thế giới. Theo Hoàng, điều khiến thiết kế của anh lọt “mắt xanh” của hội đồng tuyển chọn có lẽ chính ở phong cách riêng độc đáo và mang tinh thần dân tộc.
Cũng không phải ngẫu nhiên là các thiết kế của Công Trí được các ngôi sao lựa chọn để diện trên thảm đỏ, mà đó là ưu thế của thiết kế thời thượng đi kèm với chất liệu truyền thống và hàng ngàn giờ lao động thủ công. Đây cũng là yếu tố then chốt hàng đầu mà các nha mốt xa xỉ thế giới hướng đến.
Còn NTK Phương My thì nhận định, kinh doanh thời trang, đặc biệt là mảng xa xỉ không hề đơn giản. Chỉ 1% đến từ sáng tạo, 99% thời gian còn lại là những yếu tố xung quanh, gồm chiến lược kinh doanh, quản lý nhân sự, tài chính và mở rộng thương hiệu. “Để bán được một món đồ dưới 2 triệu đồng, bạn chỉ cần bán thứ khách hàng cần. Để bán một sản phẩm 20 triệu đồng, bạn phải bán cái mà họ chưa cần nhưng thực sự muốn có”, Phương My nói.
Nhà thiết kế Hải Minh chia sẻ, so với 10 năm trước, việc mua thời trang xa xỉ “Made in Vietnam” của giới siêu giàu thực sự đã vào guồng. Tuy nhiên, để phát huy vị thế này, các thương hiệu Việt không nên ảo tưởng trước các con số tăng trưởng ấn tượng mà cần củng cố định vị thương hiệu bằng cách đẩy mạnh truyền thông cũng như tăng cường hợp tác với các thương hiệu quốc tế.
Bên cạnh nỗ lực tự thân của các thương hiệu, bà Trần Hoàng Phú Xuân, CEO thương hiệu Faslink cho rằng cần có sự chung tay về chính sách và đường hướng của chính phủ. Hàng nội địa Thái Lan, Trung Quốc hay Hàn Quốc không tự nhiên mà phát triển và chiếm ưu thế hơn cả hàng ngoại nhập nếu không có các chính sách hỗ trợ. Các thương hiệu thời trang trong nước có thể liên kết với nhau, đưa ra các kiến nghị về tác động của ngành, đề xuất chính sách và ưu đãi... nhằm tạo điều kiện cho thương hiệu thời trang Việt.