Trước đó, vào ngày ngày 1/2/2021, Vương quốc Anh chính thức gửi đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP. Trên cơ sở đó, quá trình đàm phán gia nhập giữa Vương quốc Anh với các nước CPTPP đã được tiến hành. Trải qua nhiều cuộc họp các cấp, ngày 31/3/2023, các nước CPTPP và Vương quốc Anh thông qua tuyên bố kết thúc đàm phán gia nhập CPTPP.
Tiếp đó, ngày 16/6/2023, được sự ủy quyền của Chính phủ, trong khuôn khổ Phiên họp Hội đồng CPTPP cấp Bộ trưởng lần thứ 7 tại New Zealand, Bộ trưởng Bộ Công thương cùng các Bộ trưởng các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã ký Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, đưa nước này thành thành viên ký kết thứ 12 của Hiệp định.
Nội dung chính của Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh gồm 2 phần chính: (1)Nghị định thư gia nhập và các Phụ lục; (2)Thư của Vương quốc Anh và các thư song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Tại phiên họp, trước khi tiến hành thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phan Thị Kim Oanh và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước cũng như Báo cáo thẩm tra sơ bộ Tờ trình về việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ cơ bản nhất trí với các nội dung tại báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Làm rõ một số vấn đề được nêu, Thứ trưởng Bộ Công Thương lý giải, làm rõ thêm về thời điểm trình phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh.
Về sự cần thiết sớm phê chuẩn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, đến nay đã có 3 thành viên CPTPP thông báo hoàn tất thủ tục trong nước gồm Singapore, Nhật Bản và Chile. New Zealand, Brunei, Malaysia, Peru có thể sẽ hoàn tất việc phê chuẩn trong ít tháng tới. Nghị viện Vương quốc Anh cũng đã hoàn tất việc rà soát tổng thể Nghị định thư gia nhập CPTPP và Vương quốc Anh có thể hoàn tất việc phê chuẩn vào tháng 7 năm nay.
Nhấn mạnh mong muốn để Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Văn kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, việc trình Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV là rất cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, liên quan đến việc bảo lưu; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để thực hiện Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, Chính phủ không có kiến nghị bảo lưu bất kỳ nội dung nào liên quan đến Việt Nam trong Nghị định thư gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh và không có kiến nghị phản đối bảo lưu của Vương quốc Anh.
Đồng thời, Chính phủ cũng không có kiến nghị sửa đổi, ban hành mới các văn bản luật để thực hiện Văn kiện. Ở cấp độ dưới luật, dự kiến Chính phủ ban hành Nghị định về biểu thuế mới hoặc văn bản pháp luật mới để hướng dẫn thực thi các cam kết về mua sắm chính phủ và dịch vụ - đầu tư.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa của việc sớm trình Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ sẽ khẩn trương rà soát, bổ sung đầy đủ các hồ sơ, báo cáo; xây dựng dự thảo Nghị định về ban hành biểu thuế xuất khẩu ưu đãi và biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong Hiệp định CPTPP để áp dụng với Vương quốc Anh.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội khóa XV phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại kỳ họp thứ 7.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ hoàn thiện Hồ sơ đầy đủ trình Quốc hội phê chuẩn văn kiện để gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cụ thể: Báo cáo bổ sung về các nội dung đã nêu tại Báo cáo thẩm tra; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Văn kiện; kế hoạch thực thi sau khi Quốc hội phê chuẩn Văn kiện đảm bảo cụ thể, chi tiết và khả thi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về ban hành biểu thuế xuất khẩu ưu đãi và biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong Hiệp định CPTPP để áp dụng với Vương quốc Anh; rà soát việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành hoặc ban hành văn bản pháp luật mới (nếu cần thiết) để hướng dẫn thực thi các cam kết về mua sắm Chính phủ và dịch vụ - đầu tư trong Văn kiện sau khi Vương quốc Anh chính thức trở thành thành viên của Hiệp định CPTPP...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, Ủy ban Đối ngoại tiến hành thẩm tra chính thức sau khi Chính phủ bổ sung Hồ sơ như kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.